Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Văn Hoa - Hương Diệp - 10:41, 14/04/2022

Sáng ngày 13/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 64 điểm cầu trong cả nước, với tổng số gần 4.000 đại biểu tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội kỳ này phải là bước thể chế quan trọng tinh thần Đại hội XIII của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, về trách nhiệm bảo đảm thực hiện của các cơ quan nhà nước và vai trò nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở.

Theo ông Ngô Sách Thực, trong những năm qua nhìn chung việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/12/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các văn bản pháp luật về dân chủ ở cơ sở đã thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng sự đồng thuận trong Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị
GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện. Trong đó, GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, việc có được đạo luật về dân chủ ở cơ sở là bước đột phá, là bước tiến rất quan trong trong việc xây dựng nền dân chủ Việt Nam. Đây là một chính sách lớn và rất thuận với xu thế phát triển của dân chủ hiện đại thế giới, thuận với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nước ta hiện nay.

Khẳng định dân chủ phải chịu sự kiểm soát, điều chỉnh của luật pháp, Luật pháp là tối cao, nhất là trong Nhà nước pháp quyền, GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, dự thảo luật phải chú trọng làm rõ mối quan hệ giữa luật pháp và dân chủ. Nguyên tắc hàng đầu phải chú ý là dân chủ phải thuận với pháp luật, đúng với pháp luật và pháp luật bảo vệ quyền dân chủ của người dân.

“Nếu chúng ta thành công chống tham nhũng, quan liêu, thực hiện cho được các quyền của dân thì luật này sẽ có bước đột phá trong xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để Nhân dân tham gia cùng Nhà nước xây dựng và phát triển đất nước.”, GS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đồng chủ trì Hội nghị
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đồng chủ trì Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc làm cần thiết để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “... phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt khác, đây cũng là là yêu cầu khách quan để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Từ những ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất cần thiết, rất quan trọng; song cũng rất khó và phức tạp, nhạy cảm. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không chỉ chia sẻ với những khó khăn, vất vả và áp lực của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật mà còn luôn sẵn sàng đồng hành cùng cơ quan chủ trì để có được dự thảo tốt nhất có thể trình Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.