Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tiếp tục hoàn thiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Hoàng Quý - 16:46, 27/05/2022

Sáng 27/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, thời gian qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở như Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Khẳng định các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Luật này nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra Nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp), là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu cho biết, dự thảo Luật lần này có quy định về Thanh tra Nhân dân bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đây là nội dung đang được quy định tại Luật Thanh tra. Tuy nhiên, Thanh tra Nhân dân có những điểm khác biệt về cách thức thành lập, nguyên tắc tổ chức hoạt động và thẩm quyền so với cơ quan Thanh tra nhà nước. Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra Nhân dân trong luật này.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định một chương về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Quốc hội.

Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các khái niệm của Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 96 điều, ít hơn 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó, bổ sung 1 điều, bãi bỏ 3 điều. Đồng thời, bố cục của một số chương, mục trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý để bảo đảm hợp lý, rõ ràng, dễ theo dõi hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình cao với các quan điểm xây dựng Luật; và các nội dung của Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các khái niệm của Luật để bảo đảm cụ thể; mở rộng đối tượng được trao danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”; cần có danh hiệu gia đình tiêu biểu để khuyến khích phong trào thi đua; cần bổ sung nguyên tắc không tặng nhiều danh hiệu thi đua cho một thành tích trong một phong trào thi đua; cân nhắc thẩm quyền xét khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.