Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Nghị trường Một năm nhìn lại

PV - 14:38, 24/01/2019

Năm 2018 đã qua đi, nhưng âm vang từ nghị trường vẫn còn mãi trong đời sống xã hội. Cử tri và Nhân dân vẫn dõi theo để “chấm điểm” công bằng. Dấu ấn của một năm hai kỳ họp Quốc hội với nhiều đổi mới…

“Chấm điểm” công bằng

Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước và khẳng định sẽ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Lời tuyên thệ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trước Quốc kỳ và cử tri cả nước từ Hội trường Diên hồng, Tòa nhà Quốc hội là sự kiện quan trọng của đất nước; lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Rời tòa nhà Quốc hội hôm đó, đi đến đâu cũng nghe người dân nhắc đến sự kiện lịch sử này. Cán bộ, Nhân dân đều bày tỏ phấn khởi, tin tưởng Quốc hội đã sáng suốt bầu chọn đúng người có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín để đảm nhiệm hai trọng trách lớn và tin tưởng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ vững vàng đưa đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Trong công tác cán bộ, kỳ họp thứ 6 vừa qua cũng đã để lại dấu ấn khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là lần thứ ba hoạt động này được thực hiện tại Nghị trường và cũng là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất tại Quốc hội khóa XIV. Điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm lần này là người được lấy phiếu phải có báo cáo tự đánh giá, kiểm điểm.

Có một cử tri, cán bộ lão thành cách mạng từng nói với tôi rằng: Quốc hội phải thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm hơn nữa, không chỉ lấy phiếu tín nhiệm theo nhiệm kỳ mà có thể lấy phiếu tín nhiệm bất kỳ. Như thế hoạt động giám sát sẽ nâng cao hiệu quả hơn nữa. Có thể nói sự “chấm điểm” công bằng này, đã tạo được niềm tin trong Nhân dân. Đó là dịp để các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm soi lại mình, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Hỏi nhanh, đáp gọn”, “chất vấn bất kỳ”

Dấu ấn lớn nhất của Quốc hội năm 2018, đó là việc Quốc hội ngày càng thể hiện rõ nét “Quốc hội gần dân”. Sự đổi mới trong hoạt động chất vấn từ  kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã mang đến hiệu quả tích cực. Các câu hỏi của đại biểu đặt ra cụ thể, ngắn gọn, trực diện. Các thành viên Chính phủ trả lời sau khi 3 đại biểu chất vấn, thay vì 5 đại biểu với nhiều câu hỏi chất vấn như trước đây. Việc “hỏi nhanh, đáp gọn” đã  làm tăng tính đối thoại giữa đại biểu và các thành viên Chính phủ.

Đến kỳ họp thứ 6, việc “hỏi nhanh, đáp gọn” vẫn được phát huy. Thêm vào đó, hoạt động chất vấn tiếp tục đổi mới theo hình thức “chất vấn bất kỳ” các thành viên Chính phủ chứ không theo nhóm vấn đề và các vị trưởng ngành được chỉ định từ trước. Như vậy, bất cứ thành viên Chính phủ nào đều phải trong tư thế “chuẩn bị” đăng đàn. Kỳ họp thứ 6, số đại biểu chất vấn lên đến 135 đại biểu đặt câu hỏi và 82 lượt đại biểu tranh luận với rất nhiều ý kiến ấn tượng tại nghị trường.

Chúng tôi đã từng chứng kiến những tranh luận “nảy lửa” giữa đại biểu với các vị trưởng ngành. Ngay cả giữa đại biểu với nhau cũng có những tranh luận đi tranh luận lại. “Đề nghị xây dựng văn hóa nghị trường trước hết đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta có quyền tranh luận nhưng chúng ta không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đã từng phát biểu quyết liệt như thế.

Trong các phiên thảo luận, nhiều vấn đề từ tham ô, tham nhũng đến thiên tai bão lũ, công tác cán bộ, công tác giáo dục, đạo đức xã hội, phòng chống tệ nạn, tội phạm… và rất nhiều vấn đề liên quan đến vùng DTTS và miền núi đã được thảo luận, tranh luận tại nghị trường. Có thể nói, đại biểu Quốc hội đã mang tiếng nói của cử tri đến nghị trường. Họ đã mang hơi thở, “tâm can” người dân để giãi bày và mong muốn được giải quyết. Các vị trưởng ngành nhiều lần nhắc tới từ “trách nhiệm”, “xin hứa, sẽ cố gắng”…

Hoạt động nghị trường khép lại nhưng với cử tri, họ vẫn luôn dõi theo và kỳ vọng vào sự đổi thay sau mỗi kỳ họp. Gần đây nhất trong chuyến công tác đến tỉnh Quảng Ninh, khi chúng tôi hỏi về dấu ấn Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Bão (Cẩm Phả, Quảng Ninh) không ngần ngại chia sẻ ngay: “Tôi đặc biệt ấn tượng với những đổi mới của Quốc hội trong năm 2018. Hình thức chất vấn “hỏi nhanh, đáp gọn”, “chất vấn bất kỳ” đã rất sôi động hơn, tranh luận, phản biện nhiều hơn, thể hiện việc  đi đến cùng để giải quyết vấn đề. Điều tôi mong muốn nhất là những giải pháp để giúp Nhân dân ứng phó với thiên tai; giải quyết công ăn việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường”. Và còn nhiều vấn đề còn tồn tại vẫn đang là thực trạng nhức nhối của xã hội, cử tri cần những lời giải từ thực tiễn.

Tết đến, Xuân về trên khắp nẻo đường đất nước. Cử tri mong muốn những quyết sách của Quốc hội sẽ đi vào cuộc sống. Trên mọi nẻo đường, cử tri sẽ luôn dõi theo, “chấm điểm” công bằng với từng lời hứa đã đưa ra tại nghị trường, mở ra niềm tin, hy vọng về sự đổi mới của đất nước.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.