Sáng 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV theo hình thức trực tuyến.
Cuộc tiếp xúc cử tri được kết nối giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu Hội trường huyện ủy Phong Điền, TP. Cần Thơ; các điểm cầu tại hội trường UBND của 25 xã, phường, thị trấn thuộc 9 quận, huyện của TP. Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã báo cáo với cử tri kết quả hoạt động từ kỳ họp thứ 2 đến nay và dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Cử tri TP. Cần Thơ bày tỏ vui mừng vì Chính phủ đã có các giải pháp sáng suốt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, cả nước đã thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; cuộc sống dần trở lại bình thường; kinh tế-xã hội từng bước phục hồi, phát triển.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến người dân, doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn, do đó đề nghị Nhà nước tiếp tục có chính sách để hỗ trợ. Trong đó, đề nghị có chính sách hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cũng như thiên tai.
Cử tri các xã, phường, thị trấn đã kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ nhiều vấn đề nóng, liên quan các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ; công tác quy hoạch, quản lý đất đai nhằm hạn chế đầu cơ, nâng giá đất, chống tiêu cực; bảo đảm tiêu thụ nông sản, ổn định cho bà con nông dân; bảo đảm an sinh xã hội…
Lãnh đạo TP. Cần Thơ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri; giải đáp những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan của Quốc hội để xem xét, giải quyết.
Kết quả tích cực trên các lĩnh vực
Phát biểu với cử tri tại cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đành thời gian chia sẻ với cử tri về tình hình thế giới, đất nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Cần Thơ, đặc biệt là việc triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ về phát triển ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng.
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn, thử thách do đại dịch và dành thời gian, công sức cho nhiều sự kiện trọng đại (Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, kiện toàn chức danh lãnh đạo…), chúng ta đã quyết liệt phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả đạt được là khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo đó, chúng ta đã điều chỉnh kịp thời biện pháp phòng, chống dịch với đột phá là chiến lược vaccine; nhanh chóng kiểm soát dịch (là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới); đồng thời, có nhiều gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Tăng trưởng GDP phục hồi trong quý IV/2021 là 5,22%, tính chung cả năm 2021 tăng 2,58%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm (ở mức 1,84%); mặt bằng lãi suất giảm nhẹ và duy trì ở mức thấp; tín dụng tăng; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt… Các cân đối lớn được bảo đảm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục, vốn FDI đăng ký mới tăng 25,2%. Xuất khẩu là điểm sáng, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 22,6%, đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tiếp tục là 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; xuất siêu hơn 4 tỷ USD.
Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều bước tiến vượt bậc: Đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan); xếp hạng 14/50 khu vực châu Á về quy mô kinh tế Internet.
Phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng: Đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức rất thành công.
Chúng ta cũng tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có chiến lược ngoại giao vaccine.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng bình quân 2,1%, thấp nhất từ năm 2018 đến nay; tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,03%, cao hơn cùng kỳ năm 2021; vốn FDI thực hiện đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6%; các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh mẽ, khởi sắc; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao...
Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung chỉ đạo. Các nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân; bảo vệ môi trường; cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được quan tâm, triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả.
"Chúng ta có một cái Tết vui tươi, đầm ấm, cơ bản bình an và đặc biệt là nếu sau kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm ngoái, dịch bệnh bùng phát mạnh thì sau kỳ nghỉ năm nay, chúng ta càng ngày càng yên tâm khi số ca mắc mới, chuyển nặng, nhập viện và tử vong giảm sâu. Có được điều này, quan trọng nhất là nhờ vaccine, thuốc và các kinh nghiệm đã được tích lũy, nhưng tuyệt đối không được chủ quan", Thủ tướng nói.
"Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt, toàn diện của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đánh giá, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân TP. Cần Thơ đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, góp phần tích cực vào thành công chung của cả nước.
Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công, công tác quy hoạch còn chậm so với yêu cầu. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cần phải thúc đẩy tốt hơn nữa. Chính phủ vừa qua đã kiểm điểm, có giải pháp thúc đẩy. Kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn rủi ro khi lạm phát trên thế giới và của các đối tác thương mại lớn đều tăng, giá xăng dầu, chi phí logistics, nguyên liệu đầu vào tăng nhanh. Cạnh tranh chiến lược diễn biến phức tạp... Do đó, áp lực, khó khăn, thách thức còn rất lớn.
Quan tâm đặc biệt tới ĐBSCL
Thủ tướng nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với ĐBSCL và TP. Cần Thơ. Vừa qua, Bộ Chính trị đã tổ chức triển khai Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là hội nghị đầu tiên trong số các hội nghị tương tự về các vùng trên cả nước. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL - quy hoạch vùng đầu tiên được lập, phê duyệt theo Luật Quy hoạch.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ.
"Trong các chuyến công tác vừa qua tới các nước, trong các cuộc làm việc với bạn bè, đối tác quốc tế, tôi luôn luôn nhấn mạnh đề nghị hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đây là một nhiệm vụ trọng tâm hiện nay và thời gian tới. Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng ĐBSCL", Thủ tướng nói.
Ông cũng cho biết, vừa qua Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm tới việc đầu tư phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, trong đó có các tuyến cao tốc, mà gần đây nhất đã trình Quốc hội dự án cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng.
Hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Cần Thơ thời gian tới, Thủ tướng chia sẻ và mong các đồng chí, đồng bào, cử tri chung sức, đồng lòng, nỗ lực hơn nữa, đưa TP. Cần Thơ vươn lên xứng đáng với tiềm năng, lợi thế và mong đợi của Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân Thành phố. Tinh thần chung là phải đoàn kết, thống nhất cao với tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, né tránh, phải chủ động hơn, quyết liệt hơn, tích cực hơn, năng động đổi mới, sáng tạo hơn.
Phải tiếp tục bám sát, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển ĐBSCL và TP. Cần Thơ, với tinh thần đổi mới, mạnh mẽ, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động phải quyết liệt hơn, trọng tâm, trọng điểm; phát huy vai trò trung tâm là một trong những cực tăng trưởng của cả nước.
Đẩy nhanh triển khai các quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, phát huy vai trò trung tâm của TP. Cần Thơ tại ĐBSCL, một cực tăng trưởng của cả nước.
Triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, trong đó việc tiêm vaccine là nhiệm vụ quan trọng số 1, là yếu tố quyết định để kiểm soát dịch. Thủ tướng đề nghị cử tri ủng hộ, tích cực tham gia, đây vừa là nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm, nếu không, trong trường hợp xuất hiện các biến chủng mới thì chúng ta có thể lại bị động, lúng túng, bất ngờ.
Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng để Thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển Vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TP.HCM với Cần Thơ, Cà Mau.
Đầu tư một số cảng lớn, phát triển các khu công nghiệp, trong đó đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp VSIP Cần Thơ. Thủ tướng cho biết đã trao đổi với các đối tác quốc tế về triển khai một số dự án này. Thủ tướng lưu ý, điều quan trọng là phải làm có trọng tâm, trọng điểm và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, vì càng kéo dài càng lãng phí.
Phát triển các trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu, nâng cấp các trường đại học, đưa Cần Thơ là trung tâm đào tạo của vùng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục thu hút nhân lực chất lượng cao về đây, lấy khoa học công nghệ làm động lực đổi mới sáng tạo.
Triển khai dự án khu hành chính thành phố, trung tâm văn hóa Tây Đô. Huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả, chú trọng nguồn lực đầu tư xã hội, phấn đấu vốn đầu tư xã hội mỗi năm tăng 10%.
Tiếp tục bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch TP. Cần Thơ gắn với quy hoạch vùng, bám sát nhiệm vụ, mục tiêu của thành phố, làm sao khai thác được tối đa tiềm năng, sự khác biệt của địa phương, tạo ra động lực phát triển mới, thu hút đầu tư.
Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tăng cường phân cấp, phân quyền; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu…
Về các kiến nghị của cử tri, Thủ tướng cho biết một số công việc đã được Chính phủ triển khai, một số công việc chuẩn bị triển khai thời gian tới. Lãnh đạo UBND thành phố đã giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị của đồng bào, cử tri. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị. Nguyên tắc là, nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo.
Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP. Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng nhấn mạnh, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL với nhiều tiềm năng, thế mạnh. Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển, lớn mạnh và thành công của Thành phố.
Để TP. Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, cần sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng và hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho TP. Cần Thơ trong thời gian tới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng đồng hành với chính quyền, nhân dân TP. Cần Thơ thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra./.