Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tiến tới bao phủ BHYT học sinh, sinh viên: Thúc đẩy tiến trình đổi mới tài chính y tế

Vương Minh - 19:46, 09/10/2023

Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Không chỉ có ý nghĩa thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ mà chính sách này còn là giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc chuyển BHYT thành nguồn chi chủ yếu trong cơ cấu chi phí y tế.

Tăng cường tuyên truyền chính sách BHYT cho HSSV. (Trong ảnh: Cán bộ BHXH tỉnh Hòa Bình tuyên truyền chính sách bảo hiểm cho đoàn viên, thanh niên huyện Mai Châu - Ảnh: Báo Hòa Bình)
Tăng cường tuyên truyền chính sách BHYT cho HSSV. (Trong ảnh: Cán bộ BHXH tỉnh Hòa Bình tuyên truyền chính sách bảo hiểm cho đoàn viên, thanh niên huyện Mai Châu - Ảnh: Báo Hòa Bình)

Lợi ích thiết thực

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, HSSV là nhóm đối tượng được đặc biệt quan tâm và tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Tại Khoản 4, Điều 12, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (năm 2014) và Điều 4, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định, HSSV là nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (hỗ trợ tối thiểu từ 30% đến 100% mức đóng, tùy thuộc nhóm đối tượng ưu tiên).

Bên cạnh chính sách chung, nhiều tỉnh, thành phố còn có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho HSSV từ cân đối cân sách địa phương và huy động nguồn xã hội hóa. Năm 2022, có 27 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ cao như sau: Hà Giang (hỗ trợ 70% mức đóng); Hưng Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu (hỗ trợ 30% mức đóng); Quảng Ngãi (hỗ trợ từ 20 - 30% mức đóng); Bắc Kạn, Cà Mau, Hậu Giang, Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc (hỗ trợ 20% mức đóng)…

Đặc biệt, nhiều tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi còn có thêm chính sách để hỗ trợ BHYT cho HSSV người DTTS không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn. Trong đó, Lâm Đồng hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho học HSSV người DTTS không sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn; Gia Lai hỗ trợ 20% cho HSSV người DTTS, HSSV thuộc gia đình đông con, gặp khó khăn về kinh tế; Kiên Giang hỗ trợ 10% cho HSSV có hộ khẩu tại địa phương…

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng gần 3 triệu HSSV sử dụng thẻ BHYT, với khoảng 6,1 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT; tổng chi phí KCB BHYT của nhóm HSSV bình quân/năm là hơn 2.500 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023, cả nước đã có khoảng 6,2 triệu HSSV khám chữa bệnh BHYT, với tổng số tiền được Quỹ BHYT chi trả hơn 5.300 tỷ đồng.

Với nỗ lực đó, việc triển khai công tác BHYT cho HSSV đã có nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 18,8 triệu em tham gia BHYT, đạt tỷ lệ trên 97% tổng số HSSV. Tham gia BHYT giúp HSSV được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh (KCB).

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, từ năm 2022 hết tháng 8/2023, cả nước có 1.435 em có chi phí KCB từ 100 – 200 triệu đồng, 568 em có chi phí KCB từ 200 đến 500 triệu đồng, 66 em có chi phí KCB trên 500 triệu đồng đã được Quỹ BHYT chi trả. Đặc biệt, có 01 trường hợp KCB liên quan đến hốc mắt, viêm cơ tim cấp, di chứng tổn thương nội sọ đã được chi trả hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ BHYT.

Góp phần đổi mới tài chính y tế

Theo ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHYT, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc. Trong đó, BHXH Việt Nam và ngành Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHYT cho HSSV. Qua đó, nhận thức của HSSV và phụ huynh về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã có sự chuyển biến rõ rệt, chuyển từ tâm thế bị động sang chủ động, tích cực tham gia.

“Nhờ đó, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Nếu như năm học 2012 – 2013, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 80% trên tổng số HSSV thì đến năm học 2022 - 2023, tỷ lệ này đạt trên 97% với khoảng 18,8 triệu HSSV tham gia BHYT, tăng hơn 17% sau 10 năm thực hiện. Đáng chú ý, năm học vừa qua, nhiều địa phương đã đạt bao phủ 100% HSSV có thẻ BHYT, như các tỉnh: Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình…”, ông Hùng cho biết.

Cán bộ ngành GD&ĐT là tuyên truyền viên về chính sách BHYT cho HSSV
Cán bộ ngành GD&ĐT là tuyên truyền viên về chính sách BHYT cho HSSV

Việc gia tăng diện bao phủ BHYT cho nhóm HSSV đang góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, đồng thời đẩy nhanh tiến trình cải cách tài chính y tế. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tỷ trọng tài chính công (bao gồm ngân sách nhà nước và BHYT) cho chi tiêu y tế đang có xu hướng tăng lên. Định hướng của Chính phủ trong đổi mới tài chính y tế là phải chuyển dần hỗ trợ cơ sở KCB sang hỗ trợ trực tiếp người dân, thông qua việc tăng mức hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT, chuyển BHYT thành nguồn chi chủ yếu trong cơ cấu chi phí y tế. Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025 cũng đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng - hiệu quả - phát triển - chất lượng. Một trong những giải pháp chủ yếu được Bộ Y tế và các chuyên gia quốc tế chỉ ra là phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, trong đó có BHYT cho đối tượng HSSV.

Cán bộ BHXH huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk tuyên truyền cho học sinh về chính sách BHYT
Cán bộ BHXH huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk tuyên truyền cho học sinh về chính sách BHYT

Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) chia sẻ, hiện tỷ lệ HSSV tham gia BHYT ở nước ta đã tiệm cận mục tiêu bao phủ 100% HSSV. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ HSSV chưa nhận thức được đầy đủ về quyền lợi, tính nhân văn của chính sách BHYT nên chưa tham gia (chủ yếu là nhóm HSSV từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề). Điều này khiến các em đánh mất cơ hội được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT. Nhất là với các em khi không may mắc bệnh hiểm nghèo, nếu không có thẻ BHYT, có thể gia đình các em sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí điều trị lớn, làm ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình cũng như quá trình KCB của các em.

Thời gian tới, để đảm bảo nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện BHYT HSSV, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Bộ GĐ-ĐT triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, hai bên đang thúc đẩy tích cực việc kết nối và đồng bộ dữ liệu về HSSV trên cả nước, tạo thuận lợi cho việc triển khai thu BHYT HSSV. Từ nguồn cơ sở dữ liệu được chia sẻ, chuẩn hóa, các đơn vị (cơ quan BHXH cũng như các trường học) sẽ có cơ sở để rà soát, xác định được số HSSV chưa tham gia BHYT, từ đó triển khai các giải pháp đồng bộ trong đôn đốc, tuyên truyền, vận động. Đây cũng là giải pháp góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, thúc đẩy xây dựng, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.