Ngoài việc báo cáo tình hình thủy sản bị chết hàng loạt từ ngày 15/3 đến nay, Lãnh đạo huyện Bá Thước còn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương tiến hành thực hiện các biện pháp truy tìm nguyên nhân.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngoài thực hiện công tác kiểm tra, thống kê, hỗ trợ người dân, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân thủy sản chết và nếu phát hiện có đơn vị nào gây ô nhiễm nước sông Mã, sẽ xem xét để khởi tố hình sự.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND huyện Bá Thước, tổ chức lực lượng kiểm tra hệ thống đường ống xả thải của 5 cơ sở sản xuất, chế biến nông - lâm sản nằm ven sông Mã (gồm 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 4 cơ sở chế biến luồng) trên địa bàn. Đồng thời trước mắt yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản dọc hai bên bờ sông Mã trên toàn tuyến phải lắp đặt camera theo dõi việc xử lý nước thải, chất thải và hoạt động thải nước ra sông Mã.
Theo đó, trong các ngày 10 – 11/4, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) do ông Ngọ Đình Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến nông - lâm sản dọc sông Mã.
"Đoàn đang tiến hành kiểm tra, gồm kiểm tra hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường có đảm bảo hay không và kiểm tra hệ thống xử lý chất thải, đặc biệt là xem xét xem có dấu hiệu doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã hay không”, ông Hải cho biết.
Trước đó trên dòng sông Mã, đoạn chảy qua địa bàn huyện Bá Thước đã xảy ra tình trạng cá lồng của các hộ dân và nhiều thủy sinh khác bị chết bất thường. Tính từ 15/3 đến ngày 8/4, đã có trên 12 tấn cá lồng và gần 400 kg thủy sinh các loại bị chết, gây thiệt hại lớn cho bà con và khiến không ít hộ dân điêu đứng.
Tại thời điểm cá lồng và thủy sinh bị chết, nước trên dòng sông Mã đều có màu đen. Và cho đến nay cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng đã xác định cá chết không phải do dịch bệnh.