Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nỗi buồn “Tàu 67”

Nguyễn Thanh - 11:24, 06/04/2021

“Tàu 67” là cách mà ngư dân gọi tắt cho loại tàu được đóng mới theo Nghị định số 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. Nhưng nay, món nợ vay của các ngư dân để sắm “Tàu 67” đang có khả năng phình to, trở thành những “cục nợ” khó đòi.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có hơn 40 tàu đóng theo nghị định 67
Toàn huyện Quỳnh Lưu có hơn 40 tàu đóng mới theo Nghị định 67

“Cục nợ Tàu 67”

Thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng mới, cải tạo tàu lớn phục vụ vươn khơi bám biển. Theo chính sách này, thân tàu sẽ được đóng mới bằng vỏ gỗ, sắt hoặc Composite với công suất hàng trăm CV trở lên. Trước nhu cầu vươn khơi bám biển nhưng khả năng tài chính hạn hẹp thì Nghị định 67 là “cứu cánh” cho rất nhiều ngư dân cần đóng tàu to, công suất lớn. 

Đặc biệt, Nghị định 67 đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.

Theo chương trình này, toàn tỉnh Nghệ An đã đóng mới 104 tàu cá, với tổng công suất 83.832CV; trong đó, có 90 tàu vật liệu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ Composite. Các tàu đóng mới tập trung tại thị xã Hoàng Mai 41 tàu, Quỳnh Lưu 52 tàu, Diễn Châu 4 tàu, Cửa Lò 4 tàu và Nghi Lộc 3 tàu. Tổng số vốn được các ngân hàng thương mại cho ngư dân  vay theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67 là 860 tỷ đồng.

Nhưng, một vấn đề đáng lo hiện nay, dư nợ từ hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới theo Nghị định 67 đang ngày càng phình to, trở thành món nợ khó đòi.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An đến ngày 28/2/2021 cho thấy, trong tổng số 104 tàu được ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn, có 3 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay; 101 chủ tàu còn dư nợ tại ngân hàng với tổng dư nợ 660,4 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 121,74 tỷ động; nợ lãi tiền vay 27,82 tỷ đồng.

Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An, đơn vị được giao thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh cho biết: Số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67 xảy ra sự cố, dẫn đến tổn thất toàn bộ tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu là do cháy và chìm trên biển. Riêng tại địa bàn Nghệ An trong năm 2019, xảy ra tới 9 vụ tai nạn cháy chìm, trong đó có tới 5 tàu đóng mới theo Nghị định 67. Ước tổn thất của 9 chiếc tàu này lên tới 63 tỷ đồng. Từ cuối năm 2019, đơn vị đã ngừng bán bảo hiểm.

Ngư dân Lê Hội Hưng, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng, để bà con ngư dân tiếp tục đi biển khai thác hải sản, phía ngân hàng cần có giải pháp giãn nợ cho các chủ tàu. Đặc biệt, một số chủ tàu bị tai nạn trên biển từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm.

Cùng ngư dân gỡ nợ

Một thực tế cần được nhìn nhận rõ ràng là, từ khi thực hiện Nghị định 67 đến nay, thủy sản nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng thủy sản từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Cơ cấu đội tàu khai thác được chuyển dịch theo hướng tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, công nghệ khai thác tiên tiến và có khả năng khai thác xa bờ tăng nhanh, tàu nhỏ khai thác ven bờ ngày một giảm dần.

Nhờ có đội tàu khai thác xa bờ tăng, mở rộng ngư trường nên sản lượng khai thác thủy sản tăng nhanh qua các năm. Cụ thể: Năm 2020, sản lượng khai thác biển đạt 179.000 tấn, tăng 80.902 tấn, bằng 196% so với năm 2014 (98.098 tấn). Cơ cấu sản phẩm khai thác thay đổi theo hướng tăng nhanh các loài có chất lượng, giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân.

Ngư dân bám biển cùng “tàu 67”
Ngư dân bám biển cùng “Tàu 67”

Trình độ về quản lý kinh tế, quản lý và vận hành tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại được nâng cao. Quan hệ sản xuất trong khai thác đổi mới và phát triển phù hợp với lực lượng sản xuất, hình thành và phát triển nhiều tổ hợp tác, tổ đội khai thác nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác và vận chuyển vật tư, sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác; đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân ngày một nâng cao.

Trước thực tế khó khăn của các ngư dân, khi 101 chủ tàu còn dư nợ tại ngân hàng hơn 660 tỷ đồng, tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp quyết liệt để thu hồi nợ đọng. Lãnh đạo các địa phương ven biển ở Nghệ An cho rằng: Khởi kiện các chủ tàu vay vốn đóng tàu nhưng chưa đúng cam kết trả nợ, là giải pháp cần thiết và đúng quy định của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, cần xem xét thận trọng nguyên nhân nợ đọng, cũng như tạo điều kiện để tàu cá ra khơi tạo thu nhập để có nguồn trả nợ...

Chia sẻ những khó khăn với ngư dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Do ảnh hưởng dịch Covid-19 làm cho giá cả thuỷ sản giảm xuống. Thực tế hiện nay, nguồn lợi thuỷ sản đang dần cạn kiệt, đang phải chịu thẻ vàng Châu Âu, vùng đánh bắt bị hạn chế. Lao động rời biển để làm ăn trên bờ, hoặc đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều...

Ông Hiếu đề nghị: Sở NN&PTNT chủ trì với các đơn vị làm việc với các chủ tàu để đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế theo các trường hợp: Thật sự khó khăn không làm ăn được, không thể trả nợ được; hoạt động không hiệu quả nhưng có khả năng đầu tư chuyển đổi nghề; khai thác có hiệu quả nhưng chây ì, không chịu trả nợ để tham mưu UBND tỉnh giải pháp xử lý.

Cũng theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cần chỉ đạo các ngân hàng theo hướng động viên, đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ đúng hạn. Những chủ tàu làm ăn có hiệu quả nhưng cố tình không trả, có thể khởi kiện ra toà. Đối với những tàu có khó khăn do nguyên nhân khách quan, có thể thực hiện giản nợ. Những chủ tàu có mong muốn được chuyển đổi, thì tạo điều kiện để thực hiện. Trong phạm vi của mình, đề nghị các ngân hàng xem lại thủ tục giản nợ cho các chủ tàu để chia sẻ khó khăn với ngư dân. 

Với Công ty bảo hiểm PJICO, ông Hiếu yêu cầu, đơn vị cần phải có văn bản khẳng định gửi Bộ Tài chính là thua lỗ, xin rút không bán bảo hiểm cho người dân. Đồng thời, cần phải có phương án chi bồi thường giải quyết sớm cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.