Ông Hà Hồng Quản, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, cầu treo bản Pan là một trong những công trình thuộc dự án Thủy điện Hồi Xuân; được xây dựng năm 2000. Năm 2018, sông Mã gặp lũ lớn, cầu bản Pan bị hư hỏng nặng; không thể sửa chữa được nữa.
“Cầu hỏng nên 360 hộ với khoảng 1.500 nhân khẩu ở các bản Mí, Pé, Bá, Pan gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, giao thương”, ông Quản nói.
Để qua sông, từ năm 2018 đến nay, Nhân dân hai bờ sông chỉ còn biết cách đi đò do vợ chồng bà Hà Thị Lý, ở bản Bá làm dịch vụ hợp đồng với xã. Mỗi năm xã thu 35.000 đồng/người, ngoài ra, mỗi chuyến xe máy đi đò sẽ phải đóng phí 10.000 đồng. Xã trả tiền công chèo đò cho vợ chồng bà Lý 5 triệu đồng/tháng.
“Mỗi ngày có khoảng 300 lượt người qua lại. Công việc rất vất vả, mùa khô thì còn đỡ, chứ khi mùa lũ thì không thể nào mà qua sông được. Mỗi khi như thế, dân bản lại bị cô lập. Chúng tôi chỉ mong mỏi sao cho sớm có được cây cầu cho người dân bớt khổ”, bà Lý cho biết.
Ông Hà Văn Đông, một người dân ở bản Pan cho hay: “Giao thông cách trở nên việc vận chuyển hàng hóa buôn bán rất khó khăn. Người dân ở phía bên kia sông muốn xây nhà cửa cũng không dám vì khó vận chuyển vật liệu, hơn thế nữa chi phí sẽ rất cao. Muốn mua bán hàng hóa rất khó khăn vì thế kinh tế địa phương khó phát triển được.
Theo ông Phạm Bá Diệm, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa, huyện cùng Sở Giao thông Vận tải đã thẩm định hiện trạng cầu treo bản Pan, từ đó xác định là không thể khắc phục, sửa chữa được; chỉ có cách là xây cầu mới. Công ty Thủy điện Hồi Xuân cũng đã có phương án xây cầu mới; nhưng làm được 2 mố cầu lại dừng thi công bởi doanh nghiệp khó khăn về vốn.