Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trăn trở Ba Lin

PV - 10:18, 04/07/2018

Nếu như tính theo đường chim bay, bản Ba Lin thì chỉ cách trung tâm xã A Vao khoảng 7km, thế nhưng để vào được đến đây phải đi khoảng 20km trên con đường duy nhất dẫn vào bản. Nói là con đường nhưng thực chất là lối mòn, bởi sỏi đá lô nhô, gập ghềnh, sông suối cách trở…

Bản Ba Lin nhìn từ trên cao. Bản Ba Lin nhìn từ trên cao.

 

Bà Hồ Thị Xa, năm nay hơn 75 tuổi ở bản Ba Lin được xem là cao niên nhất của bản, nhưng số lần bà được ra trung tâm xã và huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Con cháu thì cũng có xe máy đó, muốn nhờ chúng nó chở ra trung tâm xã thăm bà con, họ hàng mà khó quá. Đường sá gập ghềnh, cheo leo như vậy thì không thể đi được. Bà chỉ ước ao có con đường bằng phẳng để trước khi khuất núi được một lần ra khỏi cái thung lũng hẻo lánh này thăm thú bản làng ở ngoài kia”, bà Xa cho hay.

Được biết con đường độc đạo A Vao-Ba Lin được khai mở cách đây hơn 10 năm. Toàn bộ tuyến đường đều là đường đất đá nguyên thủy, có nhiều đoạn tựa như đường rừng vì sự hoang sơ và rất hiểm trở.

Trưởng bản Ba Lin Hồ Văn Hiệp cho biết, con đường này là lối đi duy nhất của 119 hộ dân 3 thôn A Sau, Kỳ Nơi, Ba Lin ra trung tâm xã A Vao, đồng thời là tuyến đường phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Lin. Đường đi lại quá khó khăn nên việc phát triển kinh tế của bà con bị kìm hãm. Nông sản làm ra không tiêu thụ được hoặc bị mất giá do chi phí vận chuyển quá lớn…. Ngoài ra, khó khăn trong việc đi lại đã khiến nhiều em học sinh phải nghĩ học giữa chừng, các hoạt động giao lưu văn hóa hình như bị lãng quên..

Điều mà khiến nhiều người trăn trở khi đặt chân Ba Lin, đó là tỷ lệ hộ nghèo ở đây còn cao, cuộc sống người dân chủ yếu là tự cung tự cấp, trình độ dân trí còn hạn chế nên việc xóa đói giảm nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao cho hay, xã có 9 thôn, bản; trong đó bản A Sau, Kỳ Nơi, Ba Lin là nơi sống chủ yếu của bà con người Vân Kiều, có vị trí cách trở và xa trung tâm. Chính quyền xã cũng cử cán bộ cắm bản để hướng dẫn bà con phát triển kinh tế; thế nhưng vì nhiều lý do, trong đó khó nhất là đường giao thông đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của bà con. Những cái khó của Ba Lin làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của xã. Đến nay, xã A Vao chỉ mới hoàn thành 6 chỉ tiêu xây dựng NTM, thu nhập đầu người toàn xã cũng chỉ đạt gần 11 triệu đồng”, ông Hùng trăn trở.

Đường đi lại khó khăn nên người dân chỉ quẩn quanh ở nhà và ở trong bản làng. Đường đi lại khó khăn nên người dân chỉ quẩn quanh ở nhà và ở trong bản làng.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Đăkrông, bà Hồ Thị Kim Cúc cũng nhìn nhận, chính quyền huyện rất hiểu và chia sẻ với khó khăn trong việc đi lại của bà con. Tuy nhiên, để nâng cấp xây dựng tuyến đường là ngoài khả năng của huyện do nguồn kinh phí còn hạn chế, UBND huyện cũng đang xây dựng phương án đề nghị tỉnh, Trung ương hỗ trợ để xây dựng tuyến đường. Vì đây không chỉ là con đường dân sinh bức thiết mà còn là tuyến đường quốc phòng biên giới hết sức quan trọng trên địa bàn huyện Đăkrông.

Bản Ba Lin nằm cách trung tâm xã A Vao, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị hơn 20 km đường rừng. Giao thông cách trở đã kìm hãm sự phát triển về mọi lĩnh vực, vì thế Ba Lin luôn là một trong những bản khó khăn nhất của tỉnh…

Minh Thứ

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.