Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Thủy điện, thủy lợi và những điều bất lợi

PV - 10:08, 28/08/2018

Mặc dù người dân ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An phản ánh về tình trạng đập Lim thuộc xã Đồng Thành và đập Lùng xã Thịnh Thành xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền vẫn rất thờ ơ. Hiện nay, 2 đập này đã vỡ, người dân chịu thiệt hại nặng nề chưa biết sẽ khắc phục như thế nào?

Bài 2: Người dân khốn khổ vì liên tiếp vỡ đập

 

vỡ đập Sự cố vỡ đập cùng với mưa to gây ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn huyện Yên Thành vào tháng 7/2018.

Chỉ định cho vỡ đập nhưng không thông báo cho dân

Đập Lim thuộc xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành có trữ lượng 130.000m3 bên cạnh làm nhiệm vụ chia lũ cho vùng hạ du, đảm bảo môi sinh, môi trường còn phục vụ tưới cho nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân. Đập được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước nên đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện Yên Thành cho biết, đập Lim xã Đồng Thành nằm trong số hơn 20 con đập yếu của huyện cần nâng cấp và sửa chữa khẩn cấp. Ngày 4/3 năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đến tháng 5/2015 phê duyệt đấu thầu. Công ty CP xây dựng Tây An có trụ sở ở TP. Vinh trúng thầu (Công ty Tây An), UBND huyện Yên Thành làm chủ đầu tư với kinh phí 12 tỷ đồng, thi công trong thời gian 10 tháng. Tuy nhiên do chủ đầu tư chưa huy động được vốn nên mãi đến đầu năm 2018 nhà thầu mới tiến hành thi công nâng cấp và sửa chữa đập.

Trong quá trình thi công, đến tháng 7/2018, công trình này đối mặt với bão số 3 và hoàn lưu của bão dẫn đến sự cố vỡ đập. Qua tìm hiểu, sự cố vỡ đập Lim nằm trong tính toán của nhà thầu thi công. Theo cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty Tây An, khi nước dâng cao biết không thể cứu được thân đập nên phía nhà thầu chủ động cho đập vỡ theo vị trí chỉ định, một mặt để đỡ mất thời gian chờ rút nước khi thi công trở lại.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân khi chủ động cho vỡ đập, Công ty Tây An không có bất cứ thông báo nào cho họ dẫn đến những thiệt hại rất nặng nề.

Ông Thái Văn Tùng, người dân xóm Đồng Trung bức xúc: khi hồ Lim bị vỡ, người dân không nhận được bất cứ thông báo nào. Do đó, họ không kịp chuẩn bị ứng phó dẫn đến thiệt hại rất lớn. Bên cạnh các loại cây rau màu và lúa bị ngập thì nhiều diện tích đất vườn và đất nông nghiệp bị trôi hết phần màu còn trơ lại lớp sạn ong nên khó cho việc gieo trồng lại.

Theo ông Tùng thì trong nhiều lần sinh hoạt xóm, người dân đã nêu lên những lo lắng gửi lên chính quyền xã nhưng chỉ thấy chính quyền im lặng. Trong vụ vỡ đập vừa rồi cũng không thấy động thái cứu đập của chính quyền, không huy động lực lượng cứu đập, không cảnh báo bà con… mà khi mọi việc đã rồi mới thấy lãnh đạo huyện và xã vào kiểm tra tình hình.. “Chuyện vỡ đập thì cũng vỡ rồi nhưng thời gian tới nếu không được hỗ trợ thì vụ sản xuất năm 2019 người dân sẽ không có nước tưới, nguy cơ nhiều diện tích bỏ hoang là rất lớn. Đời sống nhân dân đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn…”, ông Tùng chia sẻ.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã tìm gặp ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành để xác minh. Tại buổi trao đổi, ông Thái Văn Thành cho biết: Đập Lim vỡ do thời gian này đập đang trong thời gian thi công nâng cấp cải tạo nên mọi phương án phòng chống đều do bên thi công đảm nhận, chính quyền chỉ hỗ trợ khi có yêu cầu!?

Chính quyền thờ ơ?

Trong đợt mưa lũ vừa qua đập Lùng ở xóm Trung Thịnh, xã Thịnh Thành với hàng chục ngàn m3 nước cũng bị vỡ. Cũng như Đồng Thành, chính quyền xã Thịnh Thành cũng bất lực trước sự cố. Dường như chính quyền ở đây thờ ơ với sự bảo vệ đập, xem nhẹ công tác phòng chống.

Ông Nguyễn Văn Lương ở xóm Trung Thịnh bức xúc cho biết: Khi nước ở đập dâng cao nguy cơ vỡ đập người dân đã gọi điện cho chính quyền xã thông báo về sự việc này thế nhưng không thấy chính quyền có động thái cứu đập bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân. Chính điều này đã dẫn tới đập bị vỡ.

Ông Trần Đình Ngà, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thịnh cho biết: Đập xuống cấp, xã cũng đã nhiều lần làm tờ trình lên huyện xin kinh phí sửa chữa nhưng không được nên xã chỉ biết tuyên truyền cho người dân chủ động để phòng tránh những nguy cơ vỡ đập. Theo ông Ngà thì đập là của địa phương quản lý nhưng việc nâng cấp sửa chữa cần nguồn kinh phí lớn ngoài sức cố gắng của địa phương. Hằng năm huyện đều có trích kinh phí sửa chữa những đập xuống cấp nhưng không hiểu tại sao đập Lùng tại xã Thịnh Thành không được đầu tư sửa chữa? Giờ đây đập đã vỡ huyện đã về kiểm tra nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hỗ trợ kinh phí để địa phương khắc phục bằng cách đắp lại để trữ nước cho vụ sản xuất tiếp theo.

Nói về sự cố vỡ đập Lim và đập Lùng trên địa bàn vừa qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ông Vương Ngọc cho biết: Đối với đập Lim ở xã Đồng Thành lẽ ra đã hoàn thành việc thi công nâng cấp và sửa chữa lâu rồi thế nhưng do nguồn vốn tỉnh chưa bố trí được nên nhà thầu không thể tiến hành thi công. Năm 2017, 2018 nguồn kinh phí chuyển về cho huyện hơn 4 tỷ đồng, huyện chuyển cho nhà thầu họ mới triển khai thi công. Để xảy ra sự cố vỡ đập vừa qua lỗi đầu tiên là do nhà thầu thi công chậm, bên cạnh đó địa phương và nhà thầu thiếu các phương án ứng phó tại chỗ nên khi nước dâng cao nên lúng túng trong phương án xử lý.

Còn về đập Lùng ở xã Thịnh Thành đây là đập do địa phương quản lý. Thực tế đập cũng đã xuống cấp lâu nhưng huyện vẫn chưa cân đối được nguồn kinh phí để sửa chữa. Thời gian tới huyện sẽ khảo sát lập hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa, nâng cấp còn thời điểm hiện tại thì việc khắc phục sự cố, huyện đang xem xét hỗ trợ địa phương tiến hành các bước cần thiết để tích nước đảm bảo cuộc sống môi sinh và nước tưới cho cây trồng trong vụ sản xuất tiếp theo..

Có thể nói, những thiệt hại từ việc vỡ đập tại Yên Thành vừa qua là hết sức nghiêm trọng và rõ ràng. Bên cạnh nguyên nhân từ thiên tai thì sự tác động của con người cũng không hề nhỏ. Theo lẽ thông thường có thiệt hại thì phải có bồi thường một cách hợp lý, hợp tình. Điều quan trọng ai sẽ là người phải đứng ra bồi thường cho người dân? Và bồi thường như thế nào? Những câu hỏi này xin gửi đến chính quyền tỉnh Nghệ An xem xét làm rõ để tạo niềm tin và sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt huyện Yên Thành, trong tháng 7/2018 mưa to cộng với sự cố vỡ 2 đập vùng thượng nguồn nên nước lũ về nhanh gây ngập lụt trên diện rộng. Đã có trên 4.400ha lúa Hè-Thu đang trong thời kỳ ngậm đòng bị ngập, trong đó khoảng 2.000ha có nguy cơ mất trắng; gần 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; hàng ngàn con gia cầm, thủy cầm bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt, nước lớn cộng với hoàn lưu bão số 3 đã có hơn 900 hộ dân ở các xã Long Thành, Khánh Thành, Bảo Thành, Công Thành, Trung Thành bị nước tràn vào nhà; 140 hộ dân của xóm 5, xã Bảo Thành bị nước lũ cô lập.

PHONG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!