Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bức xúc với thực trạng nhếch nhác nơi tượng đài “TỔ QUỐC GHI CÔNG” ở Bình Liêu

Mỹ Dung - 07:57, 24/08/2024

Đài tưởng niệm Cao Ba Lanh, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) là “Địa chỉ đỏ” để tưởng niệm 109 anh linh cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 288, Sư đoàn 395 đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Thế nhưng, nhiều người đến nơi đây đều bức xúc với công tác quản lý của chính quyền địa phương và ý thức của một số hộ dân về tình trạng trâu bò thả rông, phóng uế bừa bãi, bình hoa vương vãi... làm ảnh hưởng đến không gian linh thiêng này.

Tình trạng trâu, bò cùng những bãi phóng uế ngay trước khu đài tưởng niệm Cao Ba Lanh thường xuyên xảy ra
Tình trạng trâu, bò cùng những bãi phóng uế ngay trước khu Đài tưởng niệm Cao Ba Lanh thường xuyên xảy ra

Dân bất bình

Theo chia sẻ của người dân, đã từ nhiều ngày qua liên tiếp xảy ra tình trạng trâu, bò, dê được chăn thả ngay tại khu vực này và phóng uế, thậm chí trèo lên khu vực Đài tưởng niệm. Anh H.V.T, dân tộc Tày, thôn Khu Chợ, xã Đồng Văn cho biết: “Ngày nào trâu bò cũng được chăn thả ở đây, nhiều khi trâu bò còn đi lên hẳn Đài tưởng niệm để ăn đồ thắp hương luôn ấy chứ. Đúng là thế này thì không ổn”.

Đàn bò lên phá ngay tại khuôn viên Đài tưởng niệm Cao Ba Lanh
Đàn bò đang giẫm nát khuôn viên Đài tưởng niệm Cao Ba Lanh

Đúng như những gì người dân đã phản ánh, sáng ngày 22/8 phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có mặt tại Đài tưởng niệm Cao Ba Lanh. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hàng chục con trâu cùng những bãi phóng uế ngổn ngang ngay trước mặt khu vực Đài tưởng niệm, lọ hoa đổ tung nhưng không được thu dọn,... Những điều “mắt thấy tai nghe” khiến chúng tôi thực sự sửng sốt!

Cũng ngay trong buổi sáng mưa ấy, phóng viên gặp gia đình anh L.T.H đến từ tỉnh Bắc Giang, là thân nhân của một trong 109 liệt sỹ đến thắp nhang. Anh H ngậm ngùi khi chứng kiến cảnh đàn trâu bò đang giẫm nát khuôn viên Đài tưởng niệm.

“Giật mình ấy! Sao khu vực Đài tưởng niệm linh thiêng lại để xảy ra tình trạng này. Khu vực thế này mà lại không có người quản lý để trâu bò thả rông, ngổn ngang ở khu vực này nhỉ. Chúng tôi thật sự thấy buồn và rất chạnh lòng!”, anh H nói thêm.

Những bình hoa rơi vãi trên nền khu vực Đài tưởng niệm
Những bình hoa rơi vãi trên nền khu vực Đài tưởng niệm

Tình trạng này còn tiếp diễn đến bao giờ?

Tại đỉnh núi thiêng Cao Ba Lanh, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đầy ác liệt năm 1979, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống. Đến nay, huyện Bình Liêu đã tiếp nhận thông tin có 109 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại điểm Cao Ba Lanh.

Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của những người anh dũng hy sinh bảo vệ biên cương đất nước, huyện Bình Liêu quyết định đầu tư công trình tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới trên điểm Cao Ba Lanh. 

Công trình này được xây dựng trên tổng diện tích 275m2, với các hạng mục: đài tưởng niệm, 2 nhà bia ghi công, sân, tuyến kè bao quanh, cây xanh… với mức đầu tư gần 1,1 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí đầu tư từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện. Tháng 12/2020, công trình được khánh thành.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đỉnh Cao Ba Lanh, được xác định là “Địa chỉ đỏ” - nơi tưởng niệm 109 anh linh cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 288, Sư đoàn 395 đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

Đây cũng là công trình văn hóa, tâm linh, thể hiện truyền thống quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước nói chung, của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu nói riêng; Là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của huyện Bình Liêu cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đường vào khu vực Đài tưởng niệm Cao Ba Lanh
Đường vào khu vực Đài tưởng niệm Cao Ba Lanh

Khi được hỏi về tình trạng đang xảy ra tại “Địa chỉ đỏ” này, ông Lô Ngọc Hòe, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn phân trần: "Do Đài tưởng niệm Cao Ba Lanh xa khu vực dân cư nên còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Khi nào có sự kiện mới cho lên dọn dẹp vệ sinh thôi!”.

Còn Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bình Liêu Ngô Văn Mậu thì cho hay: Phòng cũng đã nhận được phản ánh, trước đây Đài Tưởng niệm Cao Ba Lanh ít người đến, nhưng giờ đường thuận tiện nên cũng nhiều người đến lắm. Trâu, bò, dê cứ thấy người, thấy xe đến thắp hương thì khi người về chúng đến rất đông. Phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội đã đề nghị, xã Đồng Văn tham mưu làm hàng rào ngay bậc lên Đài tưởng niệm, cố gắng trong khoảng 1, 2 tháng nữa là làm.

"Tuy nhiên, nếu làm hàng rào thì cũng chỉ đỡ để trâu bò lên, chứ dê thì dê núi vẫn trèo vào được. Còn khu vực trước và quanh Đài Tưởng niệm, vì cuộc sống mưu sinh của người dân nên cũng không cấm thả trâu bò được", ông Ngô Văn Mậu nói thêm.

Với những lý do để xảy ra thực trạng này, và giải pháp mà cán bộ, lãnh đạo chính quyền địa phương trao đổi, liệu có thuyết phục dư luận?! 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.