Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thủy điện Đăk My 4 xả lũ, nhiều nhà dân bị hư hại, trôi tài sản

PV - 19:24, 31/10/2020

Việc xả lũ ngay lúc dân đi tránh lũ khiến hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang bị trôi tài sản, nhà cửa hư hại nặng.

Hôm nay thủy điện Đăk My 4 tiếp tục xả về hạ du 500 mét khối giây.
Hôm nay thủy điện Đăk My 4 tiếp tục xả về hạ du 500 mét khối giây.

Chiều ngày 28/10, khi bão đang hoành hành tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thì thủy điện Đăk My 4 ở phía thượng nguồn bất ngờ xả lũ về hạ du. Việc xả lũ ngay lúc dân đi tránh lũ khiến hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang bị trôi hết tài sản, nhà cửa hư hại nặng. Rất may không xảy ra thiệt hại về người, bởi bà con đang đi tránh trú bão số 9 theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Đã 3 ngày trôi qua, trở về dọn dẹp nhà cửa, vật dụng, ông Trần Trường, ở thôn Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang vẫn chưa hoàn hồn. Đến giờ này, ông Trường vẫn chưa biết được trong nhà mình còn gì mất gì.

Ông Trần Trường cho biết, khoảng 16h ngày 28/10, thủy điện Đăk My 4 bắt đầu xả nước về hạ du. Lúc này, hoàn lưu bão số 9 vẫn gầm rít, cả thôn đang trú bão tại nhà Rông theo lệnh của địa phương nên không ai mang theo đồ đạc gì. Đến khi ngớt bão, tranh thủ chạy về thì nước lũ đã ngập hơn nửa nhà. Ông Trần Trường và gia đình chỉ kịp bỏ của chạy lấy người.

Người dân nhặt nhạnh những gì còn sót lại.
Người dân nhặt nhạnh những gì còn sót lại.

Hôm nay, trời mưa to trở lại, anh Lê Tấn Đạt ở thôn Pà Zá, xã Cà Dy, huyện Nam Giang đội mưa nhặt nhạnh những gì còn sót lại. Cả gia sản, 2 vợ chồng từ xuôi lên đây gầy dựng bao nhiêu năm trời, giờ chỉ còn lại 2 con heo. Cả kho gạo chuẩn bị nấu rượu và trang trại nuôi heo cũng đã bị nước thủy điện cuốn phăng.

Anh Đạt bức xúc nói, những năm trước, thủy điện cũng có xả lũ nhưng có báo trước bằng xe loa để dân biết. Mọi khi, thủy điện cũng xả lũ nhưng không bao giờ cao đến mức khủng khiếp như thế này.

Ông Ka Phu Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết, hơn 215 hộ dân dọc Đăk My gồm các thôn Rô, thôn Ngói, Pà Za, Pà Zâng bị thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ bị nước dâng cao lút nóc nhà, trôi sạch tài sản. Trong đó 25 nhà bị hư và trôi hoàn toàn. Bây giờ, xã phải lo kêu gọi các nhà hảo tâm từ đồng bằng lên cứu trợ. Địa phương cũng vận động người dân tương thân tương ái, mở cửa cho bà con vào trú tạm.

Tài sản Nhà anh Lê Tiến Đạt chỉ còn lại mấy con heo sống sót nhờ qua được bên núi.
Tài sản Nhà anh Lê Tiến Đạt chỉ còn lại mấy con heo sống sót nhờ qua được bên núi.

Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, thủy điện Đắc My 4 xả lũ khiến nhà cửa của 106 hộ ở thị trấn Thạnh Mỹ và 215 hộ dân ở xã Cà Dy bị ngập lụt, tất cả tài sản trong nhà bị trôi mất, kể cả gia súc, gia cầm, cây cối hoa màu. Thời điểm xả lũ vào chiều tối, lại không nhận được thông báo nên chính quyền và người dân địa phương trở tay không kịp.

Theo ông A Viết Sơn, lúc 3h chiều, thủy điện có thông báo cho huyện với lượng xả 11 ngàn mét khối giây, chỉ 30 phút sau, lũ đã xuống đến xã Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ. Lúc này gió rất lớn huyện không kịp trở tay. Trong khi đó hệ thống loa của Công ty thủy điện hư hỏng nên không phát đi thông báo như mọi khi.

Ông A Viết Sơn cho biết, chưa bao giờ trên địa bàn huyện xảy ra cơn lũ như vậy. Ngay trong đêm, khi liên lạc với lãnh đạo nhà máy thủy điện và báo cáo với lãnh đạo tỉnh thì việc xả lũ nói trên mới dừng lại: "Lúc 3h thông báo cho huyện với cường độ rất lớn như vậy, chỉ 30 phút sau nước lũ đã ập đến. Lâu nay cũng đã có xả nhưng xả ít. Trong khi đến 5h chiều bão vẫn còn hoành hành, xả lũ như thế thì không có người nào ở nhà nữa. Vì lúc đó gió vẫn còn, nếu ra ngoài thì nguy hiểm hơn".

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Đăk My thì cho rằng, Công ty đã thông báo cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh và các huyện hạ du. Theo ông này, đơn vị có thông báo cho các đơn vị bằng e-mail, fax. Đối với huyện Nam Giang, ông Bình cho biết có thông báo với ông Nguyễn Đăng Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện.

Theo ông Bình, chỉ cần thông báo cho người trực phòng chống thiên tai chứ Công ty không thể đi thông báo cho từng người, từng huyện được. Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời điểm 17h ngày 28/10, lưu lượng về hồ Đắk My 4 là 13.000 mét khối giây, thủy điện xả về hạ du 7.004 mét khối giây.

Chiều qua 30/10, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam đã đến kiểm tra thực tế, lắng nghe bức xúc của Chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Dũng giao Văn phòng Tỉnh ủy truyền đạt ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh làm việc với Công ty Thủy điện Đăk My giải trình việc xả lũ vừa qua./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.