Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, cơ sở thu mua gỗ keo tại thôn Tú, xã Xuân Thắng đã tiến hành xây dựng nhà điều hành và lắp đặt trạm cân tại khu đất hơn 800 m2 trên đất ở nông thôn và đất trồng cây.
Ông Lương Văn M, thôn Tú cho biết, đây là tỉnh lộ 519B, tuyến đường huyết mạch liên thôn liên xã, vì vậy hàng ngày ngoài xe hàng hóa lưu thông, thì người dân, nhất là các cháu nhỏ đi học về qua lại nhiều. Vào những ngày nắng thì còn đỡ, những ngày mưa nước chạy từ trong khu đất sản xuất tràn ra đường, cùng với mùi gỗ keo bóc bốc lên hôi thối, lầy lội bẩn thỉu.
Ngoài ra, điểm thu mua keo này ngay khúc cua giao thông của tỉnh lộ 519B, các đống gỗ keo, xe tải hàng bốc dỡ của cơ sở thường che khuất tầm nhìn, điều này gây mất an toàn và ách tắc khi người dân tham gia giao thông.
"Người dân chúng tôi cũng đã kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Chúng tôi mong muốn, các cơ quan ban ngành vào xử lý dứt điểm, cần phải quy hoạch nhưng cơ sở sản xuất như này vào những vị trí phù hợp để không ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân", ông M kiến nghị thêm.
Qua tìm hiểu được biết, sau phản ánh của công dân trước đó, UBND xã Xuân Thắng cũng đã tiến hành kiểm tra xác minh đối với cơ sở thu mua lâm sản tại thôn Tú.
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hoàng Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã cho biết, cở sở thu mua lâm sản tại thôn Tú thuộc hộ kinh doanh đứng tên bà Bùi Thị Dung. Chúng tôi cũng nhận được thông tin của người dân phản ánh đúng như báo chí cung cấp, xã đã tiến hành kiểm tra và nhắc nhở cơ sở thu mua lâm sản này phải hoạt động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra xã sẽ báo cáo lên huyện để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Theo hồ sơ cung cấp của UBND xã Xuân Thắng, cơ sở thu mua lâm sản tại thôn Tú xã Xuân Thắng có giấy phép kinh doanh mang tên bà Bùi Thị Dung, đăng ký vào ngày 04/12/2023 cùng với giấy chứng nhận kiểm định trạm cân và hợp đồng thuê đất.
Nhưng trên thực tế, hợp đồng thuê đất lại đứng tên ông Lê Viết Tâm có hộ khẩu thường trú tại xã Tân Thành, huyện Thường Xuân thuê lại của hộ ông Lò Đức Hạnh, với tổng diện tích 800 m2 để sử dụng vào mục đích làm bàn cân và bãi tập kết vật liệu gỗ keo. Vị trí khu đất, thửa số 98, tờ bản đồ số 43 – BĐĐC 2008. Thời hạn thuê đất là 5 năm kể từ ngày 01/02/2023.
Ngoài các giấy tờ trên, thì đơn vị này không có giấy phép xây dựng nhà xưởng, không xuất trình được cam kết ĐTM (các quy định về đánh giá tác động môi trường), cũng như hồ sơ pháp lý về phòng cháy chữa cháy khi xây dựng nhà xưởng trong khu dân cư, giấy phép hoạt động bàn cân…
Theo quan sát của phóng viên, tại hiện trường, khu đất của cơ sở thu mua lâm sản này, nằm ngay sát tỉnh lộ 519B, phía sau khu đất là suối nước và mương thuỷ lợi tưới tiêu. Khu sản xuất không có rào chắn hay biển báo. Bên trong, cơ sở là một nhà điều hành và trạm cân trên khu đất rộng khoảng hơn 800 m2; bãi tập kết khối lượng lớn gỗ keo nơi công nhân đang làm việc và công nhân thì không được trang bị bảo hộ lao động.
Đáng nói, hệ thống nước bơm tưới lên các đống gỗ keo chảy tràn ra đường, gây mùi ô nhiễm và sình lầy lội ngay tại tỉnh lộ. Ngoài ra, hành lang an toàn giao thông của tỉnh lộ 519 B bị che khuất tầm nhìn do ô tô trọng tải lớn bốc keo nằm ngay đường chắn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trước tình trạng trên, Người dân đề nghị UBND xã Xuân Thắng, UBND huyện Thường Xuân cần sớm kiểm tra xử lý dứt điểm, đảm bảo về môi trường, hành lang an toàn giao thông trên tỉnh lộ 519 B.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình thông tin đến bạn đọc!