Công ty CP nông sản quốc tế An Việt nằm ngay tại khu dân cư thôn Khang Thọ Hưng, xã Hoằng Đức, bên cạnh còn có khu chợ an toàn vệ sinh thực phẩm xã Hoằng Đức.
Ông Phạm Văn Đ., hộ dân ở khu dân cư thôn Khang Thọ Hưng sống gần Công ty cho biết, khoảng hơn 1 tháng nay, mùi hôi thối bốc lên từ phía Công ty ngày một nặng hơn, nhất là vào buổi chiều khi gió Nam thổi lên, gặp thời tiết oi nóng khiến mùi hôi này trở thành nổi ám ảnh của người dân.
"Việc Công ty này để nước thải chảy tự nhiên ra cánh đồng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà con là điều không thể chấp nhận được, rất mong các cấp cần có biện pháp xử lý", ông Đ. nói.
Chị Lê thị T., một thương lái buôn bán tại chợ Hoằng Đức cho biết, những năm trở lại đây, vào mùa thu hoạch khoai tây đưa về là, người dân sống xung quanh Công ty phải chịu mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy. Vì mùi hôi thối này, khiến cho người dân đến chợ ngày một ít đi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh của bà con thương lái trong chợ.
Để xác minh thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với UBND xã Hoằng Đức và Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt. Tại buổi làm việc, ông Lê Viết Lai - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đức cũng thừa nhận về hoạt động thu mua, sơ chế của Công ty An Việt gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến người dân là có thật, chính quyền xã cũng đã xuống kiểm tra nhiều lần và nhắc nhở yêu cầu đơn vị chấp hành đúng theo quy định. Lần nhắc nhở gần đây nhất là vào ngày 30/4.
Do chính quyền địa phương xã Hoằng Đức cũng mới dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, khiến người dân không đồng tình tiếp tục phản ánh gây bức xúc dư luận.
Thông tin về tình trạng, nước thải của Công ty chưa qua xử lý, trực tiếp xuống ống cống chảy tự nhiên ra môi trường bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Quốc Chiến - Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chỉ liên kết thu mua và tập kết, phân loại khoai tây xuất đi chứ không sản xuất chế biến. Vì vậy, khoai về đây phải bảo quản đúng quy trình, hạn chế ánh sáng và hầu như không được liên quan đến nước. Nên không có chuyện xả thải nước ra bên ngoài.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, lượng khoai tây hư hỏng thối vữa được đắp thành đống ở sàn nhà phía Công ty, bị thối rữa chảy thành nước bốc mùi hôi thối chảy trực tiếp xuống cống, xuống đường ống thoát nước của Công ty xả thẳng ra cánh đồng bên ngoài, đúng như phản ánh của người dân.
Đáng chú ý, trên sàn nhà tầng 2 của Công ty, công nhân đang xử lý hàng tấn tinh bột khoai tây mới sản xuất ra. Một công nhân xin được dấu tên cho biết, có việc chế biến bột khoại tây tại nhà máy này. Quy trình sản xuất ra tinh bột khoai tây gần giống như bột sắn dây cũng phải nghiền, vắt, lặng nước để cho ra bột và đem đi phơi khô thành viên, rồi sấy khô đóng gói.
Mang thắc mắc, công ty chỉ thu mua, không sản xuất và không có chuyện xả thải nước ra bên ngoài, vậy lượng nước lọc nhiều lần lọc từ tinh bột khoai tây này xả đi đâu?. Giám đốc Công ty Nguyễn Quốc Chiến biện minh là, công ty chỉ tận dụng lượng khoai tây hư hỏng sản xuất cho vui thôi… Công ty sẽ tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân và báo chí, sẽ sớm xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Đuợc biết, Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt bắt đầu đầu thu mua nông sản cho bà con từ năm 2016. Từ khi hoạt động thu mua khoai không xảy ra vấn đề gì về môi trường. Vì theo đăng ký thủ tục đầu tư thuê đất, Công ty chỉ thu mua và tập kết khoai tây về đây và xuất đi. Đến nay, Công ty đã đã liên kết với 6 xã vùng biển và vùng Đông Nam huyện Hoằng Hóa để trồng 200 ha khoai tây Marabel. Ngoài ra, Công ty còn thu mua của 2 huyện lân cận là Hậu Lộc và Nga Sơn, khoai tây cho năng suất từ 1,4 - 1,7 tấn/sào.
Theo tính toán, mỗi năm Công ty này thu mua hàng nghìn tấn khoai tây của người dân để xuất đi. Việc thu mua nông sản của Công ty trong thời gian qua, cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho bà con nông thôn vùng khó, cũng là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không nên vì điều này, mà Công ty lại bất chấp, bỏ qua việc chấp hành quy định của pháp luật về môi trường, đặc biệt những vấn đề này đều liên quan đến sức khỏe của người dân. Trước thực trạng này, người dân trong vùng rất mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nghiêm túc vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để, tránh gây bức xúc dư luận.
Báo dân tộc và Phát triển tiếp tục theo dõi tình hình để thông tin đến bạn đọc.