Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hư chuyện cây “thuốc Nam” có tác dụng phòng, chống Covid-19

PV - 17:01, 05/10/2021

Thời gian gần đây, nhiều người dân tại xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La (Sơn La) đã truyền nhau tìm và sử dụng một loại cây mà theo họ có tác dụng “tăng sức đề kháng, có thể phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Nhiều người trong xã đã vào các khu rừng sâu tìm loài cây này về sử dụng thường xuyên. Để tìm hiểu thực hư việc này, chúng tôi đã về xã Chiềng Cọ.

Một cửa hàng tạp hóa ở bản Ót Nọi có bán cây "Co hôm ha" khô, với giá 35.000 đồng/túi
Một cửa hàng tạp hóa ở bản Ót Nọi có bán cây "Co hôm ha" khô, với giá 35.000 đồng/túi

Đến bản Dầu, gặp gia đình ông L.V. N., một trong những hộ gia đình đang sử dụng loại cây này. Rót mời chúng tôi cốc nước màu vàng nhạt, ông N. giới thiệu: Đây là nước được đun từ loại cây rừng, mà người dân trong bản nói là có thể chống được bệnh Covid-19. Nghe mọi người bảo, cây thuốc này do một thầy lang trước đây trong bản truyền lại, thường sử dụng cho phụ nữ sau sinh. Gần một năm nay, mọi người truyền nhau uống nước này để tăng sức đề kháng, phòng, chống bệnh Covid-19. Không biết có thật hay không, nhưng nhiều gia đình đã lên rừng tìm, mang về đun nước uống hằng ngày.

Hỏi thêm một số người dân trong bản, họ nói rằng, gia đình họ cũng đang uống loại cây này. Nếu có nhu cầu mua họ sẽ bán. Thấy chúng tôi có vẻ không tin vào điều này, bà L.T.H. cho chúng tôi xem một vài khúc cây tươi và một túi cây đã được chặt nhỏ, phơi khô và nói: “Không chỉ trong bản, mà người dân ở một số bản khác cũng đang uống, thậm chí đã uống trong thời gian dài. Bây giờ loại cây này khó kiếm, nên bà con ở các bản khác tìm mua về sử dụng”.

Cây "Co hôm ha" tươi
Cây "Co hôm ha" tươi

Trong vai người mua hàng, chúng tôi đến cửa hàng tạp hóa M.Đ. ở bản Ót Nọi. Tại đây đang bày bán 6 - 7 túi cây đã được chặt nhỏ, phơi khô, mỗi túi nặng từ 500 - 700g, có giá 35.000 đồng/túi. Bà M. chủ cửa hàng nhiệt tình: “Loại cây này tốt lắm, có thể phòng, chống được bệnh Covid-19 và một số bệnh khác. Vì vậy, không chỉ có người trong xã, mà cả người ở vùng khác cũng đến đây tìm mua”. Nói rồi bà M. vào nhà đem bình nước đun từ loại cây này mời chúng tôi uống thử. Ngoài vị thanh thanh, thì chất nước cũng không khác gì nước lọc thông thường.

Qua tìm hiểu, loại cây này được bà con dân tộc Thái gọi là “Co hôm ha”. Đây là loại cây được bà con người Thái sử dụng làm thuốc, thân cây thường sắc nước uống, lá đun nước tắm cho phụ nữ mới sinh và trẻ sơ sinh; cũng có thể làm men ủ rượu. Dù chưa biết thực hư có công dụng phòng, chống Covid-19 hay không, nhưng cả người lớn và trẻ nhỏ cũng thường xuyên uống, thậm chí có gia đình còn sử dụng liên tục hơn một năm nay.

Cây "Co hôm ha" mang về được cạo sạch vỏ
Cây "Co hôm ha" mang về được cạo sạch vỏ

Thông tin với các giảng viên của bộ môn Thực vật rừng của Trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội), được phỏng đoán: Đây là loại cây thuộc họ Tếch (tên khoa học là Lamiaceae), có nhiều đặc điểm giống với thực vật thuộc chi Vọng cách (Premna). Theo Đông y, một số loài cây thuộc chi này có tác dụng: Tăng cường hệ tiêu hóa, bảo vệ gan, điều trị phong tê thấp, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh, điều trị huyết áp thấp...

Ông Nguyễn Viết Cường, Dược sỹ Chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền, cho biết: “Covid-19 là dịch bệnh chưa từng có trước đây, mới chỉ xuất hiện từ cuối năm 2019 và có nhiều biến chủng virus mới, có tốc độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, chưa có thuốc điều trị. Trong thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh loài cây thuốc Nam có khả năng phòng chống dịch Covid-19. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay mà Việt Nam đang áp dụng đó là thực hiện 5K và tiêm vắc xin phòng Covid-19”.

Ông Cường khuyến cáo khi sử dụng thuốc Tây hay thuốc Nam, người dân đều phải tuân thủ về liều lượng thuốc và liệu trình điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, không nên sử dụng tùy tiện thuốc Nam, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại đến sức khỏe.

Ông Nguyễn Viết Cường, Dược sỹ Chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền trao đổi với phóng viên về cây "Co hôm ha"
Ông Nguyễn Viết Cường, Dược sỹ Chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền trao đổi với phóng viên về cây "Co hôm ha"

Trao đổi với ông Tòng Văn Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ về việc này, ông Văn cho biết: “Chính quyền xã đã nắm được thông tin người dân sử dụng, mua bán cây “Co hôm ha”. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu công dụng và sử dụng đúng loại cây thuốc này; vận động bà con không khai thác ồ ạt, nhằm tránh lãng phí nguồn cây thuốc Nam”.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng người dân không nên hoang mang, lo lắng, dẫn đến việc sử dụng các loại thuốc, cũng như phương pháp phòng bệnh chưa được ngành Y tế công nhận, kiểm chứng. Biện pháp tốt nhất hiện nay để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đó chính là nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Rất mong các cơ quan chức năng cùng chính quyền vào cuộc để làm tốt công tác tư tưởng, giúp người dân nhận thức đúng và hành động đúng trong phòng chống dịch./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.