Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện chương trình MTQG ở Kỳ Sơn: Cần nguồn vốn đầu tư lớn

Nguyễn Thanh - 19:45, 27/03/2023

Bám sát kế hoạch, chương trình của bộ, ngành, tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban và các địa phương thực hiện. Từ triển khai thực hiện các Chương trình MTQG những năm qua, bức tranh về KT-XH Kỳ Sơn đã có bước chuyển tích cực. Tuy nhiên, là 1 trong 3 huyện nghèo bậc nhất cả nước, Kỳ Sơn cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến phát triển KT-XH.

"Mục tiêu tổng quát của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, hướng đến tổng thể nhu cầu, từ ổn định dân sinh đến phát triển kinh tế và giữ vững chính trị, đặc biệt là vùng biên giới. Đây là điều phù hợp với những nội dung, kế hoạch, chương trình mà huyện Kỳ Sơn đã định hướng chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì vậy, việc triển khai Chương trình MTQG này, là “động lực” lớn “nhân thêm” niềm tin, hy vọng cho không chỉ cán bộ, đảng viên toàn huyện; mà quan trọng hơn là cho tất cả đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn", ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn cho biết.

Thực hiện chương trình MTQG phát triển KTXH ở Kỳ Sơn: Cần nguồn vốn đầu tư lớn
Đặc thù về địa lý, thổ nhưỡng của huyện biên giới khó khăn bậc nhất của cả nước, huyện Kỳ Sơn cần nguồn vốn đầu tư lớn để phát triển toàn diện. (Trong ảnh: Một góc bản La Ngan, xã Chiêu Lưu)

Nỗ lực cao nhất vì Chương trình

Ngay khi có kế hoạch triển khai của các cấp, huyện Kỳ Sơn đã quyết liệt chỉ đạo UBND các xã thành lập Ban Quản lý các Chương trình MTQG; đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và các năm 2022, 2023. Để Chương trình thực hiện hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các chủ đầu tư, thực hiện đúng quy định của Luật Xây dựng và các văn bản về quản lý dự án đầu tư xây dựng và đôn đốc tiến độ thực hiện nguồn vốn năm 2022, năm 2023.

Đồng thời, huyện đăng ký 61 đại biểu thuộc diện đối tượng 4, tham gia bồi dưỡng kiến thức dân tộc; 12 đại biểu tham gia học tập kinh nghiệm triển khai tuyên truyền về công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn; khoảng 300 đại biểu cấp bản, xã, huyện dự tập huấn triển khai Chương trình và cử 12 đại biểu tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai Chương trình ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Theo kế hoạch, nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 của huyện là hơn 597 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển để triển khai Dự án 1 hơn 30 tỷ đồng; Dự án 2 hơn 30 tỷ đồng; Dự án 3 hơn 6,6 tỷ đồng; Dự án 4 hơn 470 tỷ đồng; Dự án 5 hơn 43,6 tỷ đồng; Dự án 6 hơn 9 tỷ đồng; Dự án 10 gần 7 tỷ đồng. Trong năm 2022, huyện được bố trí hơn 173 tỷ đồng để thực hiện các dự án.

Hiện nay, các phần việc của các dự án đang được huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khẩn trương. Ông Vi Hòe - Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn cho hay: Huyện đang tích cực bám nắm, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan để thẩm định, trình duyệt hồ sơ, tổ chức đấu thầu, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện được huyện chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ nhanh để đẩy nhanh tiến độ.

Qua theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình, các Tiểu dự án, Dự án đang đi đúng theo kế hoạch, lộ trình. Hầu hết các nội dung của Chương trình đã cơ bản được phê duyệt để làm cơ sở thực hiện giải ngân trong thời gian tới.

Chẳng hạn, với nội dung “Hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán” thuộc Dự án 1, UBND huyện đã giao nhiệm vụ triển khai rà soát và thực hiện đầu tư hỗ trợ đất ở cho 11 hộ gia đình, nhà ở cho 113 hộ gia đình; đã phê duyệt 411 đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề, 811 đối tượng được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán trong năm 2022. 

Còn với nội dung “Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung” theo Dự án 1, trong năm 2022, huyện đã bố trí gần 9 tỷ đồng xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung và đã hoàn thành nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt, dự kiến động thổ trong tháng 2/2023.

Hay như Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, năm 2022 huyện được bố trí hơn 3,5 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển để xây dựng và cải tạo 8 công trình nhà văn hóa cộng đồng. Hiện đã thẩm định, phê duyệt dự án, chuẩn bị xây lắp.

Với Dự án 2 về “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”, năm 2022 huyện được bố trí hơn 5,4 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển thực hiện dự án bố trí, ổn định dân cư tại xã Mỹ Lý và Bảo Nam. Hiện nay, Dự án Khu tái định cư tại xã Mỹ Lý đã phê duyệt chuẩn bị đầu tư, Dự án Khu tái định cư xã Bảo Nam đang trình tỉnh thẩm định.

Thực hiện chương trình MTQG phát triển KTXH ở Kỳ Sơn: Cần nguồn vốn đầu tư lớn 1
Các mô hình sinh kế thoát nghèo ở Kỳ Sơn. (Trong ảnh: Mô hình nuôi gà đen của ông Vừ Tồng Pó ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn)

Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe nhấn mạnh: Có được những kết quả bước đầu kể trên là do công tác chỉ đạo từ các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo tích cực, các phòng, ban, đơn vị đã chủ động phối hợp hướng dẫn để triển khai Chương trình.

“Gỡ khó” cho vùng khó

Trong cuộc làm việc với Báo Dân tộc và Phát triển, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã đề cập nhiều lần về những khó khăn của vùng đất giáp biên khó khăn đặc thù bậc nhất cả nước. Bí thư Vi Hòe bộc bạch: huyện “kêu khó” không phải là than vãn, mà là muốn các cấp các ngành nhìn nhận khác quan những khó khăn, vướng mắc thực tế để quá trình chỉ đạo, đầu tư sát hơn, thực tế hơn; để các dự án được đầu tư phát huy hiệu quả, đồng bào được thụ hưởng nhiều hơn. Đó cũng là cái đích mà ngày từ đầu bắt tay vào triển khai, lãnh đạo huyện đã quán triệt như vậy.

Thực hiện chương trình MTQG phát triển KTXH ở Kỳ Sơn: Cần nguồn vốn đầu tư lớn 2
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH ở Kỳ Sơn sẽ giúp địa phương bảo vệ và phát huy tốt hơn phong tục, văn hóa truyền thống

Những khó khăn mà lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đề cập, là khi bắt tay thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH, địa phương cũng có phần lúng túng trong tiếp cận các nội dung thành phần của Chương trình; đặc biệt là hệ thống văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, không phân bổ hết do nội dung triển khai trên địa bàn huyện khó thực hiện; đặc biệt là trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất... Đáng chú ý, có dự án hỗ trợ phát triển nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn (Mông, Khơ mú) năm 2022 được phân bổ hơn 8 tỷ song chưa có hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Dân tộc nên chưa thể thực hiện.

Thậm chí, một số tiểu dự án đã quan tâm đến an sinh xã hội, song định mức còn thấp, khó thực hiện như: Hỗ trợ nhà ở dân cư đối với hộ nghèo cả giai đoạn 11 hộ (40 triệu/nhà xây mới; 20 triệu/nhà sửa chữa), định mức đó tại Kỳ Sơn chỉ đủ phần mái nhà, còn nếu để hộ nghèo vay vốn sẽ khó thu hồi nợ. 

Mặt khác, định mức cho phép phục vụ đào tạo nghề thấp hơn giá cả thực tế nhiều; chưa kể, số lượng biên chế giáo viên đào tạo nghề ít và tính hiệu quả của giải quyết việc làm sau đào tạo nghề chưa cao dẫn đến việc triển khai Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 gặp nhiều khó khăn.

Ông Vi Hòe đề nghị: Để triển khai thành công Chương trình MTQG phát triển KT-XH, huyện cần nguồn vốn đầu tư lớn để đầu tư phát triển đồng bộ, từ hạ tầng cơ sở đến phát triển KT-XH, đặc biệt là đầu tư thực hiện Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

"Quá trình tiếp cận văn bản, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, so với nhiều địa phương khác ở Nghệ An, thì huyện Kỳ Sơn có nhiều khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH cần được quan tâm tháo gỡ", Bí thư Vi Hòe chia sẻ. 

Thực hiện chương trình MTQG phát triển KTXH ở Kỳ Sơn: Cần nguồn vốn đầu tư lớn 3
Người dân huyện Kỳ Sơn đã được tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế

Theo ông Vi Hòe, để có cơ sở thực hiện, huyện đã đề nghị phía Trung ương cần sớm ban hành định mức và hướng dẫn triển khai các dự án: Hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư phát triển KT-XH các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc khó khăn đặc thù; hỗ trợ kinh phí giao rừng gắn với giao đất lâm để thực hiện nguồn vốn tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Trên tình hình thực tế, huyện Kỳ Sơn cũng xin điều chỉnh dự án xây dựng cầu cứng qua sông Nậm Mộ nối từ thị trấn Mường Xén đến xã Tà Cạ, sang dự án Xây dựng cầu cứng qua sông Nậm Mộ đoạn nối bản Xiêng Thù xã Chiêu Lưu đi vào xã Bảo Thắng.

Đối với UBND tỉnh và các sở ngành liên quan, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn mong muốn, được ưu tiên bố trí nguồn vốn dự án hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện, nhằm đạt quy mô vùng trồng và sản lượng phục vụ nhà máy; bổ sung biên chế hoặc cho cơ chế hợp đồng thêm giáo viên và tăng định mức tiền dạy/giáo viên tại các Trung tâm đào tạo nghề nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nghề lâu dài; cho phép sử dụng nguồn vốn sự nghiệp Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 để thực hiện sửa chữa, mua sắm trang thiết bị tại Trung tâm đào tạo nghề./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.