Tham dự Phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG; lãnh đạo một số bộ ngành; lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; điểm cầu tại các tỉnh thành trên cả nước. Về phía Ủy ban Dân tộc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự tại điểm cầu Trung ương.
Theo báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình MTQG năm 2022, 2 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Việc triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương đã ban hành 69 văn bản quy định, cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện 3 Chương trình MTQG. Đồng thời, các địa phương đã tích cực hoàn thiện xây dựng cơ chế chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG.
Đến nay, đã có 52/52 địa phương hoàn thành việc ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn Chương trình MTQG; 34/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép; 30/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG; 28/52 địa phương đã ban hành một số văn bản thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý, đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; 29/52 địa phương đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt tổ chức thực hiện vốn và giải ngân vốn các Chương trình MTQG. Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 3 Hội nghị thúc đẩy tiến độ triển khai 3 chương trình MTQG; 5 cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng chính sách quản lý, điều hành và giao kế hoạch vốn; 1 Hội thảo triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực Đông bằng sông Cửu Long.
Trong tháng 2/2023, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 3 Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế và Hội nghị trực tuyến với các địa phương tại các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG.
Về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện 3 Chương trình MTQG, đến ngày 31/12/2022, lũy kế giải ngân vốn đầu tư phát triển trên 9 nghìn tỷ đồng, đạt trên 37% kế hoạch. Đến hết tháng 1/2023, ước đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, đạt trên 57% kế hoạch, dự kiến đến hết 31/12/2023, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài thời hạn giải ngân theo Nghị quyết của Quốc hội.
Kết quả giải ngân vốn địa phương, đến hết tháng 12/2022, đã giải ngân 92,9% kế hoạch. Dự kiến hết quý I năm 2023, các địa phương phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022 do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2023, đến hết 31/1/2023 có 14 địa phương đã giải ngân trên 312 tỷ đồng, ước đến 28/2/2023, có 17 địa phương giải ngân với trên 545 tỷ đồng.
Một số khó khăn vướng mắc được nêu ra tại Phiên họp liên quan đến giao kế hoạch vốn sự nghiệp giai đoạn 5 năm; lập, phê duyệt giao danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 5 năm, hằng năm, thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, cơ chế đặc thù; các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa thống nhất, chưa phù hợp; về tiêu chí, định mức...
Tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố đã phát biểu nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 3 Chương trình MTQG; đồng thời đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG trong thời gian tới.
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chia sẻ, giải đáp các kiến nghị của địa phương liên quan cụ thể đến cơ chế, chính sách, quá trình thực hiện từng dự án, tiểu dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban Dân tộc, đồng thời nêu giải pháp thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG nói chung, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn các bộ, ngành tăng cường phối hợp, hoàn thiện đầy đủ các văn bản hướng dẫn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các nội dung, báo cáo phục vụ hoạt động giám sát, đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ các Chương trình MTQG. Trong đó đặt ra nhiệm vụ, giải pháp, định hướng lớn thực hiện các Chương trình MTQG trong giai đoạn tiếp theo.
Đối với cấp tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các tỉnh khẩn trương ban hành toàn bộ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong tỉnh và các cơ quan Trung ương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện; bố trí đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Chương trình.
Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với các ý kiến phát biểu của các địa phương, bộ, ngành tại Phiên họp và yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp thu, tổng hợp đầy đủ.
Với áp lực triển khai nguồn vốn là rất lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn trước ngày 1/3; rà soát, khắc phục tình trạng nợ văn bản, văn bản chồng chéo, chưa phù hợp với tình hình thực tế của một số địa phương. Đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG.
Khẳng định các Chương trình MTQG là chính sách lớn, nguồn lực nhiều, phủ rộng khắp các lĩnh vực, địa bàn, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực rà soát, hạn chế giao chủ đầu tư cho cấp xã để đảm bảo tính hiệu quả.
Phó Thủ tướng mong muốn Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...tăng cường giám sát, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân để Ban Chỉ đạo kịp thời nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, có giải pháp tháo gỡ, để các Chương trình MTQG phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Cả nước hiện có 6.001/8.211 xã (73,08% xã) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,4%) so với cuối năm 2021; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.