Đây là chuyến khảo sát thực tế thứ hai của Phó Thủ tướng với các vùng trên cả nước để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, để đề ra những giải pháp thiết thực thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình này.
Ngân Sơn là một trong hai huyện huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, có diện tích tự nhiên trên 64.000 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 70,63%, đất nông nghiệp chiếm 6,33%.
Dân số toàn huyện có 31.670 người, trong đó tỷ lệ người DTTS chiếm 95%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 chiếm 47,53%, hộ cận nghèo chiếm 11,37%. Tổng thu nhập đầu người bình quân đạt 22.782.000 đồng/năm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Lăng, do tỷ lệ rừng lớn, 80% dân số trong huyện làm nghề chính là trồng trọt, lâm nghiệp, chủ yếu là trồng ngô, thuốc lá, trồng rừng, rau màu… chủ yếu trông vào nguồn lợi từ rừng.
Mặc dù 100% đường từ huyện đến trung tâm các xã được cứng hóa nhưng 22/142 thôn, bản chưa có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã.
Hệ thống điện lưới quốc gia đã được kéo đến trung tâm của 10/10 xã, thị trấn nhưng mới chỉ có 123/142 thôn bản có điện, còn 19 thôn chưa có điện.
Năm 2022, tổng số vốn của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) là 124,743 tỷ đồng. Năm 2023, tổng số vốn được phân bổ cho huyện là 131,107 tỷ đồng.
Huyện chưa triển khai được một số dự án, tiểu dự án do chưa có đủ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc giao cho các xã làm thủ tục đầu tư thực hiện một số nội dung gặp nhiều khó khăn, một phần do thiếu cán bộ đủ năng lực, một phần vì trước đây đều giao cho hạt kiểm lâm thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đối với hệ thống điện, đường cho địa phương; xem xét có cơ chế chính sách cho người dân sống ở vùng sâu, gần rừng được cải tạo một phần diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt trữ lượng thấp để trồng rừng, trồng cây nông nghiệp phát triển kinh tế.
Huyện cũng kiến nghị Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ sớm có sổ tay hướng dẫn chính thức thực hiện đối với một số hoạt động của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định.
Đề nghị Bộ TT&TT sớm có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 10 để địa phương triển khai thực hiện, bảo đảm theo quy định; Bộ NN&PTNT sửa Thông tư số 12 theo hướng giao cho hạt kiểm lâm làm chủ đầu tư.
Đối với xã Thượng Quan, đây là xã có diện tích tự nhiên lớn nhất của huyện Ngân Sơn; có diện tích rừng tự nhiên chiếm 86,4% tổng diện tích của xã.
Chủ tịch UBND xã Phạm Thị Yến kiến nghị Trung ương tăng mức hỗ trợ khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ mức 400.000 đồng hiện nay lên mức 1.000.000 đồng/ha, đồng thời tăng biên chế lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Xã cũng kiến nghị sắp xếp lại đơn vị hành chính theo nguyện vọng của người dân đối với 2 thôn Slam Coóc, Pù Pioot là các thôn cách trung tâm xã khoảng 80 km, để người dân thuận tiện và chính quyền xã hoạt động hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ngân Sơn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng như trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng, dù huyện còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức điển hình của các huyện miền núi.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của huyện trong việc phát triển, gìn giữ và bảo vệ diện tích rừng rất lớn; chăm lo cho đời sống của trên 31.000 người bằng việc nỗ lực tìm tòi, phát triển sinh kế mới cho người dân, trong đó có việc nghiên cứu thử nghiệm trồng nấm hương trên câu sau sau, dự kiến cho hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, sản phẩm gạo nếp chất lượng cao Khẩu Nua Lếch, một trong những sản phẩm OCOP của huyện đã được bán tại Hà Nội và một số địa phương khác.
Phó Thủ tướng ghi nhận các ý kiến kiến nghị của huyện Ngân Sơn và xã Thượng Quan, đồng thời lưu ý việc phân cấp tại địa phương phải gắn liền với cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ và nâng cao năng lực cán bộ, thậm chí có thể bằng hình thức cầm tay chỉ việc.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tính toán đầu tư làm sao tránh tình trạng dàn trải, manh mún, làm mất thời gian chuẩn bị, giảm hiệu quả đầu tư và dễ rủi ro về công tác cán bộ.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đi kiểm tra dự án ổn định dân cư tại Cốc Lùng-Pác Đa, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn; kiểm tra dự án đường bộ nối thị trấn Nà Phặc với xã Thượng Quan có chiều dài 13 km, sử dụng vốn ODA thuộc chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Thủ tướng cũng đã đến thăm, động viên thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thượng Quan. Tại đây, Phó Thủ tướng đã trao tặng 20 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho nhà trường.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử thanh niên xung phong (TNXP) Nà Tu thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) nằm dọc bên Quốc lộ 3, cách thị xã Bắc Kạn 10 km về phía bắc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi Tổng đội TNXP đóng quân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải phục vụ kháng chiến.
Trong chiến tranh, giặc Pháp luôn tăng cường máy bay bắn phá các tuyến giao thông, trong đó trọng điểm nhất là đoạn Quốc lộ 3 đi qua Bắc Kạn. Do vậy, lúc này việc bảo đảm giao thông vận tải trở thành nhiệm vụ trọng yếu của quân và dân Bắc Kạn. Ngay từ năm 1950, Trung ương Đảng đã chủ chương cho sửa chữa, khôi phục lại Quốc lộ 3 đoạn từ Thái Nguyên đi Cao Bằng nhằm phục vụ kháng chiến.
Cũng tại thời điểm này, Chính phủ đã phát động chiến dịch cầu đường ở 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, đồng thời tăng cường cho Bắc Kạn nhiều liên phân đội TNXP. Tổng đội TNXP đã chọn Nà Tu để đóng quân. Mặc dù còn thiếu thốn nhiều thứ, lại phải lao động nặng nhọc trong khi thời gian máy bay địch bắn phá nhiều, lực lượng TNXP làm việc ngày đêm rất nguy hiểm nhưng họ đã cùng quân và dân Bắc Kạn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Trong lúc khó khăn vất vả, ác liệt đó, ngày 28/3/1951 trong một chuyến đi công tác, Bác Hồ đã đến Nà Tu để thăm hỏi sức khoẻ, động viên thanh niên và nhân dân ở đây. Bác nhắc nhở Ban chỉ huy công trường, cán bộ phải tổ chức lao động thật khoa học, đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Trước khi ra về, Bác đã đọc tặng lực lượng TNXP 4 câu thơ bất hủ:
"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên"
Từ địa danh Nà Tu, cùng với nhịp độ phát triển của cách mạng, lời dạy của Bác trong 4 câu thơ trở thành nguồn động viên cho các thế hệ trẻ, củng cố lòng quyết tâm đạp bằng mọi trở lực làm nên chiến thắng./.