Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Giải quyết nhiều mục tiêu quan trọng trong phát triển vùng đồng bào DTTS

Văn Hoa - 01:46, 24/10/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), là Chương trình có nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay đang được đầu tư, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, nhu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Lãng đã đặt quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi trao đổi về nội dung này với ông Lê Tuấn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện.

Ông Lê Tuấn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng
Ông Lê Tuấn Minh, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng

Là huyện miền núi biên giới có tới 96,54% là người DTTS, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (10,64%), với nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, huyện Văn Lãng đặt ra những mục tiêu gì trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Minh: Với tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào các xã biên giới, do đó việc thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững lòng dân, để người dân tin vào đường lối của Đảng, Nhà nước, nỗ lực cùng Nhà nước giữ gìn biên giới quốc gia…

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025 là 230 tỷ 890 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 157 tỷ 725 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 73 tỷ 165 triệu đồng. Theo đó, huyện Văn Lãng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2%/năm trở lên (riêng đối với các xã khu vực III giảm trung bình từ 4,5%/năm trở lên) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Thu nhập bình quân đầu người từ 50 - 55 triệu đồng. Có 50% xã vùng III thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK); 50% số thôn ĐBKK thoát khỏi thôn ĐBKK.

Về kết cấu hạ tầng, huyện phấn đấu tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác trên 99,8%; xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; duy trì 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80% trở lên. Giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho các hộ thiếu đất

Đồng chí Lê Tuấn Minh – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường THCS Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Ảnh TL)
Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường THCS Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Ảnh TL)

Trong lĩnh vực giáo dục, thì số trường học đạt chuẩn quốc gia là 25 trường; duy trì mô - hình trường liên cấp PTDT nội trú THCS và THPT; phấn đấu 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; bảo đảm 100% chỗ ở cho học sinh dân tộc nội trú và 50% chỗ ở cho học sinh bán trú; nâng cao chất lượng giáo dục căn bản và toàn diện ở các cấp học; phấn đấu 95% số xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 99,9%, học sinh tiểu học đến trường đạt trên 99,9%, học sinh trung học cơ sở đến trường đạt trên 99,9%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt trên 98%.

Về y tế: Tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; 100% số xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế...

Về công nghệ thông tin: Xây dựng hệ thống thông tin về công tác dân tộc và các ứng dụng hỗ trợ đồng bào DTTS, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội từng bước gắn với triển khai xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Về văn hóa: Phấn đấu có trên 65% thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn, phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mỗi xã có từ 02 câu lạc bộ văn nghệ trở lên hoạt động thường xuyên. 80% thôn khu phố có câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ thể dục, thể thao được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả.

Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS của địa phương. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Niềm vui của người dân khi được hỗ trợ téc chưa nước sinh hoạt thuộc nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Nhiều hộ dân đã được hỗ trợ téc chứa nước sinh hoạt thuộc nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Để đạt được những mục tiêu trên, quan điểm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 và những giải pháp trọng tâm của huyện là gì, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Minh: Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, ngày 15 tháng 9 năm 2022, UBND huyện Văn Lãng đã ra Quyết định số 3018/QĐ-UBND về việc phân công thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện và lãnh đạo các phòng, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. 

Quan điểm của huyện là tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng DTTS và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên các địa bàn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; không để trùng lắp, chồng chéo với các chương trình, kế hoạch khác.

Giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình là phải bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch trong phân bổ vốn kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân.

Huyện cũng đã yêu cầu các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tốt đẹp của các dân tộc, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh…

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội phục vụ đời sống của Nhân dân trên địa bàn huyện;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch ở các cấp, các ngành. Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện...

Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng tặng quà cho thương binh, bệnh binh Hứa Viết Sảo, thôn Bó Chầu, xã Hoàng Văn Thụ (Ảnh TL)
Công tác an sinh cũng luôn được huyện quan tâm thực hiện (Trong ảnh: Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch huyện Văn Lãng tặng quà cho bệnh binh Hứa Viết Sảo, thôn Bó Chầu, xã Hoàng Văn Thụ - Ảnh TL)

Ông đánh giá thế nào về những kết quả bước đầu từ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện Văn Lãng?

Ông Lê Tuấn Minh: Chương trình MTQG 1719 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Do vậy, nhiều dự án, nội dung Chương trình sau khi triển khai thực hiện, đến nay, đang góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng DTTS, vùng biên giới; đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS từng bước được cải thiện.

Văn Lãng là huyện miền núi biên giới, có 17 đơn vị hành chính (16 xã, 1 thị trấn), trong đó có 5 xã biên giới tiếp giáp với Thị Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây, Trung Quốc, với đường biên dài hơn 36km. Huyện có 8 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực I và 8 xã khu vực III. Dân số trên 50 nghìn người, có 4 dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng, Kinh, Hoa và một số ít dân tộc khác cùng sinh sống, trong đó người DTTS chiếm tới 96,54%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện (năm 2023) là 10,64%, hộ cận nghèo 10,73%.

Đặc biệt, một số dự án đạt tỷ lệ giải ngân cao, phát huy tính hiệu quả ngay trong năm đầu tiên tổ chức, triển khai thực hiện, giải quyết được những vấn đề bức thiết của Nhân dân. Như Dự án 01: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; nguồn vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang năm 2023 đã thực hiện hỗ trợ xây mới nhà ở cho 30 hộ gia đình; năm 2023 đã phê duyệt danh sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho 58 hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đến nay đã giải ngân nguồn vốn cho 8 hộ gia đình, kinh phí 320 triệu đồng.

Hay Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; năm 2023, huyện đã phân bổ nguồn vốn cho 33 công trình. Trong đó, 12 công trình đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng; 9 công trình đã thanh toán khối lượng hoàn thành; Khởi công mới 12 công trình. Đến nay các công trình cũng đã thực hiện phê duyệt...

Có thể nói, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã được cấp ủy, chính quyền huyện Văn Lãng đặt quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong quá trình triển khai, những khó khăn, vướng mắc cũng đã được địa phương kịp thời để tháo gỡ. 

Hiện nay, huyện Văn Lãng tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ đầu tư các dự án; chủ động lồng ghép, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Trong quá trình triển khai các dự án, chú trọng công tác kiểm tra giám sát; tổ chức họp định kỳ hằng tháng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Có đường nhưng... vẫn chưa hết khổ

Theo phản ánh của người dân, trong những trận mưa lớn vào đầu năm 2024, nước từ đường Đại Dực đi xã Đại Thành cũ theo cống thoát nước, chảy xuống đường dân sinh ra đến đường trục chính của xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) làm trôi bùn đất xuống ruộng và Trung tâm Văn hóa xã, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.