Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện chính sách cho Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS: 10 năm nhìn lại

Thanh Phong - 11:25, 04/05/2022

10 năm qua, lực lượng Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã có nhiều đóng góp trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng phát triển.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực Đông Nam bộ” tổ chức ngày 21/4/2022 tại tỉnh Đồng Nai
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực Đông Nam bộ” tổ chức ngày 21/4/2022 tại tỉnh Đồng Nai

Như cánh chim không mỏi

Thể hiện sự quan tâm kịp thời, động viên, khuyến khích đối với Người có uy tín phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg; Quyết định 56/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg để thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có 967 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, được bà con bầu chọn và chính quyền công nhận. Thực hiện chính sách Người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cấp phát Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Đắk Lắk miễn phí cho Người có uy tín; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết truyền thống của các dân tộc; kịp thời hỗ trợ lúc ốm đau, gia đình gặp biến cố. Đặc biệt, là tổ chức các chuyến tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm ở các vùng, miền trên cả nước để Người có uy tín vận dụng trong công việc và truyền đạt lại trong cộng đồng dân cư.

Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho biết, Người có uy tín có vai trò quan trọng trong cộng đồng các DTTS, nói dân làng nghe, làm dân làng làm theo. Họ đi khắp buôn làng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Họ thực sự là cầu nối giữa đồng bào DTTS với các ban, ngành, đoàn thể, là hạt nhân đoàn kết dân tộc, là kênh thông tin quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.

“Đặc biệt, trong bối cảnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều chính sách được triển khai, theo đó vai trò “cầu nối” của Người có uy tín càng quan trọng hơn. Do vậy, Người có uy tín cũng cần được quan tâm hơn nữa để phát huy vai trò trong cộng đồng”, ông Vinh nhấn mạnh.

Được bà con buôn M’duk (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), tín nhiệm suy tôn làm Người có uy tín, nhiều năm qua, già Y Siu Byă luôn nỗ lực hết mình vì cộng đồng, góp công sức xây dựng buôn làng ngày giàu đẹp. Buôn M’duk có gần 1.400 hộ, với 11 dân tộc sinh sống trên diện tích 674ha. Già Y Siu thường xuyên đến từng hộ dân tuyên truyền bà con chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước của buôn, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống, loại bỏ những tập tục lạc hậu.

Ngoài ra, già còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế, giúp dân cải thiện đời sống.

Cũng là Người có uy tín, anh Lý Tả Lềnh, dân tộc Mông ở tổ dân phố 3, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được ví như “sợi dây” gắn kết cộng đồng. Hàng trăm vụ việc mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong khu dân cư được anh hòa giải thấu tình, đạt lý.

Anh Lềnh chia sẻ: Để làm tốt công tác hòa giải, mình phải đi sâu tìm hiểu để nắm rõ các vụ việc và có căn cứ xác đáng, rồi thuyết phục bằng sự mềm mỏng thì dân mới nghe. Bên cạnh việc thực hiện đúng quy trình thủ tục trước, trong và sau khi hòa giải, điều quan trọng nữa, là phải nắm rõ phong tục, tập quán của từng dân tộc và các quy ước, hương ước để giải thích thấu tình, đạt lý. Nhiều năm nay, tổ dân phố số 3 nói riêng, phường Cầu Mây nói chung không có những vụ việc mâu thuẫn phức tạp, không có vụ việc khiếu kiện kéo dài. Người dân đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; an ninh trật tự cơ sở được giữ vững.

Đội ngũ Người có uy tín vận động đồng bào đoàn kết, dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội, nhờ đó, buôn làng, thôn bản, phum sóc đang từng ngày khởi sắc, đời sống đồng bào DTTS cải thiện rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2011-2020 giảm 4,3%/năm.

Điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có gần 30.000 Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS do bà con ở thôn bản, buôn làng bình chọn, suy tôn và được chính quyền địa phương công nhận. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời, phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng. Tuy nhiên, chính sách dành cho Người có uy tín vẫn còn còn bộc lộ những bất cập, cần tiếp tục điều chỉnh.

Theo kết quả tổng hợp của Ủy ban Dân tộc thì, vấn đề được quan tâm nhất chính là việc đề nghị có các chế độ trợ cấp hàng tháng, hàng quý; trợ cấp chi phí hoạt động, chi phí đi lại cho Người có uy tín. Trên thực tế, mặc dù khối lượng công việc khá lớn nhưng hiện nay, Người có uy tín không được hưởng lương, phụ cấp mà mỗi năm chỉ được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết truyền thống của các DTTS (không quá 2 lần/năm với mức tặng quà không quá 500.000 đồng/người/lần).

Các vấn đề khác như việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, điều chỉnh định mức hỗ trợ thăm hỏi ốm đau, thăm viếng, hỗ trợ khó khăn, tặng quà lễ, tết cho Người có uy tín cũng cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, cần tổ chức thường xuyên các hội nghị tuyên truyền cho Người có uy tín để cập nhật các tin tức, sự kiện mang tính thời sự, nhất là về chính sách mới, công tác dân tộc; tổ chức định kỳ các buổi gặp mặt, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm của Người có uy tính tại các địa phương và Trung ương; cần có cơ chế mở tại các địa phương, tuỳ tình hình thực tế để chủ động ban hành, áp dụng các chính sách phù hợp cho Người có uy tín; sớm điều chỉnh, bãi bỏ các bất cập, tồn đọng về thủ tục hành chính…

Từ những góp ý thực tế trên, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan, sớm xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới về vận động, phát huy vai trò của Người có uy tín và lực lượng cốt cán có uy tín trong vùng đồng bào DTTS nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong thời gian vừa qua.

Già Yơk, Người có uy tín làng Tuơh Ktu, xã Glar, huyện Đak Đoa (Gia Lai) tích cực vận động bà con trong làng tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: NT
Già Yơk, Người có uy tín làng Tuơh Ktu, xã Glar, huyện Đak Đoa (Gia Lai) tích cực vận động bà con trong làng tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: NT

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS khu vực Đông Nam bộ” tổ chức ngày 21/4/2022 tại tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cũng nhấn mạnh: Từ năm 2011, chính sách dành cho Người có uy tín đã được ban hành và triển khai. Người có uy tín không phải do Nhà nước chỉ định mà do cộng đồng bầu chọn, suy tôn dựa trên các tiêu chí do Nhà nước quy định.

“Vai trò của Người có uy tín trong hơn 10 năm qua đã được khẳng định tại các địa phương. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, chính sách bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần phải điều chỉnh, bổ sung. Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ là đơn vị ghi nhận, tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các ban ngành, những người trực tiếp làm công tác dân tộc tại Trung ương và các địa phương, các già làng, trưởng bản, Người có uy tín… để trình Chính phủ xem xét nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS”, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.

Đội ngũ Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS là những người “truyền lửa”, góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đánh giá đúng vị trí, vai trò, sức ảnh hưởng của họ và có giải pháp phù hợp về cơ chế, chính sách sẽ góp phần quan trọng trong việc “tiếp lửa”, để đội ngũ này phát huy tốt hơn “sứ mệnh” của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa ở địa phương.

Giai đoạn 2011 - 2021, cả nước đã tổ chức 6.728 chuyến thăm hỏi, tặng quà Tết Nguyên đán cho 311.860 lượt Người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ 25.642. lượt Người có uy tín ốm đau; thăm hỏi, hỗ trợ gia đình Người có uy tín gặp khó khăn là 14.302 trường hợp; tổ chức trên 2000 chuyến thăm hỏi, tặng quà Người có uy tín nhân dịp Tết, ngày lễ lớn của đồng bào DTTS…


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.