Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thúc đẩy xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo: Nhiều thách thức cho mục tiêu lớn (Bài 3)

Thi Thi - 12:07, 06/11/2022

Đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động người DTTS được hỗ trợ từ chi phí đào tạo, học ngoại ngữ, học nghề, khám sức khỏe,… cho đến thủ tục xuất nhập cảnh và cho vay toàn bộ chi phí với lãi suất ưu đãi. Tuy vậy, người dân ở các huyện nghèo vẫn chưa mặn mà tiếp cận chính sách này.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. (Ảnh minh họa)
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. (Ảnh minh họa)

Số lượng vẫn còn khiêm tốn

Như kỳ báo trước đã phản ánh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đem lại nhiều lợi ích cho lao động người DTTS và cho chính sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lao động huyện nghèo nói chung và lao động người DTTS thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29/4/2009 đến thời điểm này vẫn còn rất khiêm tốn.

Đơn cử như Mường Nhé (Điện Biên), là một trong những huyện có điều kiện kinh tế - xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất cả nước nhưng lại khá “giàu” về lực lượng lao động. Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 24.600 người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 50% tổng dân số của huyện. Tuy nhiên, đại đa số lao động ở Mường Nhé đều làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp ở địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Liên, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Mường Nhé, với mục tiêu nâng cao chất lượng lao động, góp phần tạo việc làm và thực hiện giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm để “kích cầu” lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhưng trong cả giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện chỉ có 19 người xuất cảnh. Năm 2021, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 nên huyện cũng chỉ có 1 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Đây cũng là tình hình chung của tỉnh Điện Biên; dù rất nỗ lực nhưng trong năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 45 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 20 người thuộc 5 huyện nghèo 30a (Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé). Cũng vì số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hạn chế nên chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg (từ tháng 11/2019 được thực hiện theo Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg) không có nhiều cơ hội để giải ngân. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Điện Biên, năm 2021, doanh số vay vốn hỗ trợ hỗ trợ XKLĐ, chỉ đạt 788 triệu đồng, với 9 người được vay vốn.

Không riêng Điện Biên mà với hầu hết địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, công tác XKLĐ gặp rất nhiều khó khăn, dù chính sách của Nhà nước đã hỗ trợ lao động có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chính ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đã thẳng thắn nhìn nhận, dù chính sách đã có, hiệu quả của hoạt động XKLĐ là rất tốt, nhưng đến nay, số lượng lao động huyện nghèo và lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa nhiều.

Lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên được hỗ trợ 300 nghìn đồng/người/khóa học tiền đi lại khi tham gia đào tạo để XKLĐ. (Ảnh minh họa)
Lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên được hỗ trợ 300 nghìn đồng/người/khóa học tiền đi lại khi tham gia đào tạo để XKLĐ. (Ảnh minh họa)

Số liệu trong Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc đã khẳng định thêm cho nhận định trên. Theo báo cáo này, trong giai đoạn 2016 – 2020 chỉ có 6.836 lượt lao động ở các huyện nghèo đi XKLĐ.

Cũng vì thế, từ năm 2016 đến hết năm 2020, Ngân hàng CSXH Việt Nam chỉ giải ngân được vốn vay cho 2.509 lượt người ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh số cho vay lũy kế đạt 198 tỷ đồng. Đây là con số khiêm tốn trong tổng số khách hàng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài (2.509/26.428 lượt người) và trong tổng doanh số cho vay (198/1.844 tỷ đồng) tại Ngân hàng CSXH Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020.

Nhận diện thách thức

Kết quả còn khiêm tốn trong lĩnh vực XKLĐ tại các huyện nghèo đang đặt ra những thách thức cho mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP, ngày 28/1/2022 của Chính phủ. Đặc biệt, nếu công tác XKLĐ tại các huyện nghèo không sớm được cải thiện thì việc thực hiện mục tiêu tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025 sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo lý giải của các địa phương, nguyên nhân khiến công tác XKLĐ ở các huyện nghèo chưa đạt như kỳ vọng là do lao động người DTTS còn mang nặng phong tục tập quán, ngại thoát ly sống xa gia đình, làng, bản; tâm lý ngại tiếp cận với những điều kiện mới. Chất lượng lao động thấp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, một số lao động đang tập trung học nghề, học ngoại ngữ bỏ về không có lý do, làm ảnh hưởng đến tư tưởng số lao động đang học hoặc chuẩn bị tham gia XKLĐ…

Lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ tiền ở 400 nghìn đồng/người/tháng. (Ảnh minh họa)
Lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ tiền ở 400 nghìn đồng/người/tháng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, việc định hướng thị trường nước ngoài để đưa lao động người DTTS sang làm việc phải được tính toán lại. Nếu như trước đây, cơ sở kinh tế của cả nước nói chung, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, chưa đáp ứng được nhu cầu tạo việc làm thì nay đã khác. Lao động người DTTS có nhiều lựa chọn hơn, và sẽ cân nhắc trong việc tiếp cận con đường XKLĐ.

Anh Thào A Thán, dân tộc Mông, ở xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là một ví dụ. Năm 2019, anh có ý định đi XKLĐ; nhưng nếu chọn nước có thu nhập cao (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức) thì yêu cầu trình độ đối với lao động rất gắt, nhất là ngôn ngữ, cùng với đó là chi phí xuất cảnh khá lớn. Còn với các thị trường anh Thán, đủ tiêu chuẩn để đi thì thu nhập lại thấp, thậm chí không cao hơn so với một số doanh nghiệp trong nước. Do đó, anh đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề và trở thành công nhân Công ty Xây lắp mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ở Quảng Ninh, với thu nhập ổn định trên 12 triệu đồng/tháng.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ ở các huyện nghèo, ngày 28/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2022/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2022).

 Theo đó, khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động thuộc hộ nghèo, hộ DTTS trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ nhiều chính sách được quy định cụ thể tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng CSXH Việt Nam giải ngân được vốn vay cho 2.509 lượt người ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh số cho vay lũy kế đạt 198 tỷ đồng. (Trong ảnh: Hoạt động điểm giao dịch xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Đ.T)
Giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng CSXH Việt Nam giải ngân được vốn vay cho 2.509 lượt người ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; doanh số cho vay lũy kế đạt 198 tỷ đồng. (Trong ảnh: Hoạt động điểm giao dịch xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Đ.T)

Về nội dung và định mức hỗ trợ lao động tại Thông tư 15/2022/TT-BTC đều tăng hơn so với các giai đoạn trước. Điều này cho thấy, quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện đẩy mạnh công tác XKLĐ ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu tạo việc làm trong Chương trình MTQG  phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tuy nhiên, cùng với cơ chế, chính sách, để lao động ở các huyện nghèo, nhất là lao động người DTTS “vượt qua chính mình”, chủ động tham gia thị trường lao động ngoài nước, thì cần một giải pháp đồng bộ, nhất là công tác tuyên truyền, vận động.

 Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dungnày trong số báo tiếp theo.

Nội dung và mức hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Thông tư 15/2022/TT-BTC

- Đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề (Theo chi phí thực tế; tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg);

- Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ: Tối đa 4 triệu đồng/người mỗi khóa học;

- Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50 nghìn đồng/người/ngày;

- Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo: 400 nghìn đồng/người/tháng;

- Hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) mức 600 nghìn đồng/người;

- Hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) cho lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo (mức 200 nghìn đồng/người/khóa học đối với lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300 nghìn đồng/người/khóa học đối với lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên);

- Chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gồm: Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh; phí cung cấp lý lịch tư pháp; lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động; chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mức hỗ trợ tối đa 750 nghìn đồng/người).


Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.