Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội

Hoàng Quý - 19:32, 28/10/2024

Ngày 28/10, trong phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan tâm tới các hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch, sửa đổi các chính sách thu hút để thu hút các nhà đầu tư, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội được tiếp cận tốt hơn với chính sách.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp. 

Đồng thời, phải thực hiện bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thiện các cơ thế chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp, để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân lao động. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như là mua nhà ở xã hội.

Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị, Chính phủ cần có chính sách cụ thể hóa theo tinh thần Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; chỉ đạo thực hiện việc giao cho các địa phương phải xác định chỉ tiêu phấn đấu cụ thể để thực hiện cho được theo đúng tinh thần Chỉ thị 34 của Ban Bí thư.

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang)
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang)

Cùng quan tâm tới vấn đề nhà ở xã hội, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho biết, giai đoạn 2015-2023, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn trước tình trạng, nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt được. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở.

Qua triển khai 3 hình thức phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014, kết quả cho thấy, đa số các dự án nhà ở xã hội đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã. Một số địa phương đã dành vốn nhà nước, gốm vốn ngân sách và vốn nhà nước ngoài ngân sách vào phát triển nhà ở xã hội.

 Đối với hình thức phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn cá nhân, hộ gia đình, giai đoạn 2015 đến 2023 chưa có loại hình này, chủ yếu phát triển nhà trọ với số lượng lớn. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa chú trọng vấn đề này.

Đại biểu kiến nghị, cần sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện hình thức nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng, cho thuê. Chú trọng biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển hóa, nâng cấp các loại hình xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, nhất là các khu trọ hiện hữu đang đáp ứng nhu cầu lưu trú của một số đông công nhân, người lao động, nhưng được các cơ quan chức năng đánh giá là chưa đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, chưa đảm bảo an toàn, điều kiện sinh sống.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm soát giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp. 

Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng… liên quan đến thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, như báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu.

Thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng cho biết, từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội; có 622 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 565.177 căn, trong đó đã hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án, với quy mô 111.687 căn và đã chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án.

Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp; nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.

Từ những vướng mắc khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy công tác này. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chính phủ đã ban hành kế hoạch, đề án và nhiều chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội; Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 và nhiều quy định pháp luật có liên quan để tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã điểm lại một số điểm mới, nổi bật của các luật này, đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; cũng như thực hiện  nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nhà ở xã hội, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển KT-XH của các địa phương; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội và hệ thống chỉ tiêu phát triển KT-XH 5 năm, hàng năm của từng địa phương.

Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú, tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê. Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các quy định pháp luật vừa được thông qua liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.