Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thảo luận tại tổ: Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS

Anh Trúc - 07:20, 27/10/2024

Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề tại 26 tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều tỉnh miền núi, vùng đồng bào DTTS. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn về giảm nghèo ở vùng này.

QUỐC HỘI Phát triển điện ở nông thôn, vùng khó khăn cần chính sách rõ hơn
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH: Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu) ngày 26/10. Ảnh: Đ. Thanh

Tại phiên thảo luận của Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH: Hải Phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu) ngày 26/10, các đại biểu cơ bản thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, những kết quả đạt được về kinh tế – xã hội trong năm 2024 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư; sự đồng hành giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành; sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Dù vậy, tình hình kinh tế – xã hội 2024 vẫn còn một số khó khăn, thách thức, như các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đã nêu. Đại biểu đề xuất Chính phủ cần báo cáo đánh giá thêm về chỉ tiêu giảm nghèo.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) ước đạt 1,9%, giảm khoảng 1,09% so với năm 2023, đạt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn về tỷ lệ hộ nghèo, giảm nghèo tại vùng đồng bào DTTS, đánh giá kỹ hơn các hộ thoát nghèo ở vùng này có thực chất không?

Đặc biệt, mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có nhiều tỉnh miền núi vốn có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước, do vậy sẽ tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội và các mục tiêu, chỉ tiêu cùng việc giải ngân của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.

Cũng theo đại biểu, việc giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến nay tỷ lệ còn thấp, mặc dù đã được tháo gỡ tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, các địa phương cũng đang vướng mắc nhất về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Lý do bởi điều kiện các hộ dân sinh sống chủ yếu ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cho nên xã không có quỹ đất để bố trí tái dân cư ở xen ghép.

QUỐC HỘI Phát triển điện ở nông thôn, vùng khó khăn cần chính sách rõ hơn 1
ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương khi triển khai.

Chia sẻ với ý kiến trên, ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) bổ sung, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hiện còn khó khăn trong thực hiện một số dự án, nhất là Dự án 5 hiện nay chưa được hỗ trợ để vay vốn ưu đãi làm nhà ở.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Do đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đều phải có kế hoạch huy động thêm kinh phí từ người thân, họ hàng và cũng không tự chủ động được nguồn kinh phí này, dẫn đến một số trường hợp phải thay đổi kế hoạch từ đăng ký xây mới sang sửa chữa nhà ở.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có chính sách tín dụng ưu đãi để làm nhà ở với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống, thường trú trên địa bàn các huyện nghèo (Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội như đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với đó, để thực hiện phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định “nhà tạm, nhà dột nát” và quy định cụ thể đối tượng, định mức hỗ trợ, trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chi từ nguồn hỗ trợ thực hiện phong trào.

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.