Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS

Hoàng Quý - 18:16, 23/10/2024

Chiều 23/10, trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc quan tâm đến văn hóa của đồng bào DTTS.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS

Quan tâm tới việc bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, nhất là tiếng nói và chữ viết, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tiếng nói và chữ viết của đồng bào DTTS là di sản rất đặc biệt, đề nghị cần phải quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy, thực tế thời gian qua có tình trạng di vật, bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng nhưng bị thất thoát, mất mát, thậm chí mua bán ra nước ngoài. Đây là vấn đề nhức nhối và thực tiễn đặt ra trong thời gian qua, do vậy, đại biểu đề nghị, trong dự thảo Luật không quy định cụ thể nhưng Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quy định cụ thể để tổ chức thực hiện cho tốt.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) phát biểu tại phiên họp

Cùng quan tâm tới việc bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) đề nghị, cân nhắc bổ sung thêm quy định giao Chính phủ ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến các nội dung được quy định tại Điều 19 này để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, biên soạn, lưu giữ, truyền dạy, dịch thuật, biên tập, xuất bản sách...

Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết tại Điều 10, dự thảo đã đề cập đến khái niệm về “Lễ hội truyền thống, bao gồm các thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ, tại không gian văn hóa liên quan”. 

Đại biểu Lưu Bá Mạc nhận thấy, trong thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, trong đó bao gồm cả tỉnh Lạng Sơn, có loại hình Hội truyền thống, trong đó không bao gồm các thực hành nghi lễ mà chỉ bao gồm các sinh hoạt văn hóa, dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ, tại không gian văn hóa liên quan. Loại hình này hiện nay đã và đang được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.

Do vậy, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị, cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về “Hội truyền thống”, từ đó đảm bảo việc sử dụng tên gọi trong thực tiễn thuận lợi, không bị nhầm lẫn, tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng cụm từ Lễ hội truyền thống hay Hội truyền thống.

Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên)
Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn ĐBQH Điện Biên) phát biểu tại phiên họp

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ ủng hộ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) cho biết, cả nước ta hiện có hơn 40.000 di tích, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu… Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Nhiều di tích, di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì. Ví dụ như di tích Đồng Dương ở Quảng Nam đang trong tình trạng khẩn cấp và cần nguồn lực để khôi phục…

Vì vậy, Đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết, để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được. Quỹ sẽ góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội đất nước.

Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động hiệu quả, Đại biểu cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho Quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của Quỹ.

Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ; Quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.

Đồng thời, Đại biểu cũng đề xuất, mở rộng thẩm quyền thành lập Quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) phát biểu tại phiên họp

Đồng quan điểm với Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội  tỉnh Thanh Hóa) cũng đồng tình với sự cần thiết của Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương.

Theo Đại biểu Mai Văn Hải, việc hình thành quỹ ở địa phương, không phải tỉnh nào cũng có thể thành lập, nên quy định thành lập Quỹ ở Trung ương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập và quản lý Quỹ. 

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.