Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quốc hội quan tâm đến việc phát triển điện vùng DTTS, vùng khó khăn

Anh Trúc - 17:48, 26/10/2024

Chiều 26/10, thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Tổ 15 (gồm các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước) đề xuất cần có chính sách quy định rõ về việc phát triển điện ở nông thôn, đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

Phát triển điện ở nông thôn, vùng khó khăn cần chính sách rõ hơn
Các ĐBQH tại phiên thảo luận Tổ 15. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, sau 20 năm triển khai thi hành và 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, Luật Điện lực đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, đáp ứng nhu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của Nhân dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh quốc gia; trong đó đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp với sự phát triển của đất nước, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết và mang tính cấp bách.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh để đáp ứng quan điểm, mục tiêu yêu cầu sửa đổi luật, tuân thủ Hiến pháp và các điều ước quốc tế; cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để bảo đảm tính khả thi, xem xét các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư, chỉ quy định những nội dung bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, giảm đầu tư công.

Cùng với đó, cần xem xét bổ sung quản lý quy hoạch, chính sách đối với chuyển đổi năng lượng; loại hình “lưu trữ điện năng”, “công nghệ lưu trữ an ninh năng lượng”. Việc phát triển các trạm sạc xe điện, an toàn trang thiết bị điện tại các trạm sạc xe điện để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với loại hình trạm xe điện ngày càng phát triển, làm cơ sở triển khai thực hiện khi Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua.

Phát triển điện ở nông thôn, vùng khó khăn cần chính sách rõ hơn 1
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

Đồng thời, cần rà soát, quy định rõ, cụ thể về phạm vi điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch. Có cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ. Đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực; dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công. Đầu tư xây dựng dự án công trình điện khẩn cấp.

Ngoài ra, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng nhấn mạnh, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) nên có chính sách quy định rõ việc phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho biết, chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực tại Điều 5, điểm a, khoản 3 quy định chính sách phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; trong đó, tại điểm a quy định Nhà nước ưu tiên vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, đề nghị cần xem xét bỏ cụm từ “ngân sách nhà nước” hoặc viết lại “vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước” để bảo đảm đồng bộ trong dự thảo luật.

Phát triển điện ở nông thôn, vùng khó khăn cần chính sách rõ hơn 2
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

Đồng thời, phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào DTTS và miền núi cần có chính sách đặc thù. Bởi thực tế, các tỉnh miền núi, hệ thống lưới điện đều đi qua rừng tự nhiên nên khó khăn trong việc triển khai các dự án; ngoài ra cũng có chính sách hỗ trợ thu hút các cơ sở sản xuất kinh doanh để đầu tư khu vực miền núi, đặc biệt là chính sách về giá điện.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt vấn đề, luật lần này phải giải quyết được câu hỏi lớn: thúc đẩy cho được thị trường điện mang tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện phải tiệm cận với giá cơ chế thị trường. Đây là điều cốt lõi và là mong muốn nhất của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân.

Trên tinh thần đó, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu một số nội dung cụ thể.

Theo đó, tại Điều 84 về quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, hiện các quy định về quyền tại điều này còn chung chung khó khả thi, như: Điểm b, khoản 1 “Yêu cầu bên bán điện kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện”; điểm c, khoản 1 “Được bồi thường thiệt hại do bên bán điện gây ra theo quy định của pháp luật”.

Hợp đồng bên bán điện và khách hàng sử dụng điện là hợp đồng dân sự, khi khách hàng sử dụng điện bị thiệt hại phải chứng minh bên bán điện có lỗi, với một hệ thống truyền tải điện từ nguồn đến người sử dụng khá phức tạp, việc người sử dụng điện chứng minh lỗi tại giai đoạn nào, để yêu cầu cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường là rất khó. Vì vậy, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung làm rõ thêm các quy định này.

Liên quan đến Chương V về giá điện, tại các Điều 86, 87 đề nghị cần nghiên cứu xem xét, bổ sung, làm rõ thêm giá điện là “phương pháp định giá (công thức)” để bán điện tận tay người sử dụng điện. Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, đây là vấn đề khác bức xúc của người mua điện trong nhiều năm qua; giá điện luôn tăng, chưa minh bạch về cách tính giá, còn hiện tượng độc quyền của ngành điện.

Đối với Chương VII về an toàn công trình thủy điện, đại biểu cũng nêu rõ, dự thảo luật chỉ mới quy định về các biện pháp và trách nhiệm an toàn đập, hồ chứa thủy điện; chứ chưa quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm do chủ quan của cơ quan quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy điện để xảy ra xả nước, vỡ đập gây thiệt hại như thế nào. Đây là một thực tế đã xảy ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.