Bất kỳ một dân tộc nào cũng tồn tại và phát triển trên cái nền văn hoá của dân tộc mình, bởi văn hoá có chức năng điều chỉnh xã hội, định hướng các chuẩn mực để tạo động lực cho sự phát triển. Luật tục các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Lâm Đồng, là một phần của văn hoá bản địa. Nó có vai trò điều hoà các quan hệ xã hội để xây dựng đời sống văn hoá khoan hoà, tốt đẹp “Đường tốt thần về. Nước sạch cá bơi. Nỏ tốt bắn sóc. Ngực trắng gái thích” (Luật tục Mạ).
Hôn nhân các dân tộc gốc Tây Nguyên ở Lâm Đồng được thực hiện theo chế độ mẫu hệ và cơ bản là bền vững. Luật tục chế định để thực hiện chữ tín trong hôn ước, là biểu hiện của niềm tin hồn nhiên bao trùm trong lối sống của đồng bào. Trai gái đã hứa hôn có nghĩa là mọi việc đã được định đoạt, khó có thể thay đổi: “Nhẫn đã đeo, dây cườm đã quàng, rượu cần đã đổ bã, gà đã thịt xong” (Luật tục Chu Ru). Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có người “chiều tối hứa hôn, gà gáy từ hôn”. Đặc biệt là chàng trai khi đã hứa hôn và đã ăn ở với cô gái mà từ hôn sẽ bị phạt nặng: “Nói phải giữ lời. Dao đã tra vào chuôi. Mày đã hái quả sim…” (Luật tục Cơ Ho)
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Ma Lim, dân tộc Chu Ru, có thâm niên trên 20 năm làm công tác Phụ nữ ở xã Tà Hine, huyện Đức Trọng nói rõ: “Hiện nay, những hình phạt cho trường hợp từ hôn này hầu như rất ít tồn tại, nhưng vai trò điều chỉnh của luật tục vẫn có hiệu lực, bởi sự áp lực của dư luận. Thực ra, đồng bào bảo vệ chữ tín trong hôn ước xét đến cùng là bảo vệ đạo lý và giá trị của con người. Tính tích cực của luật tục chính là ở chỗ đó”.
Bên cạnh đó, luật tục của đồng bào Tây Nguyên cấm kị tuyệt đối việc kết hôn với người cùng huyết thống. Nếu ai phạm vào điều này thì bị coi là loạn luân. Khi đó coi như đã có điềm dữ xảy ra, thần linh bỏ đi, sét đánh, trời trừng phạt bằng cách gây hạn hán, đất lở, đá lăn. Ngày nay, quan hệ hôn nhân của đồng bào đã có nhiều biến đổi do sự tác động của những yếu tố mới. Tuy nhiên, những mặt tích cực được thể hiện trong luật tục ở lĩnh vực này cần được phát huy một cách linh hoạt trong điều kiện từng thôn buôn với sự chi phối của xã hội hiện đại.
Quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng để tạo nên sắc diện văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên ở Lâm Đồng. Mối quan hệ này chứa đựng nhiều giá trị, góp phần tạo nên một cuộc sống hài hoà, thuần hậu trong cộng đồng buôn làng. Qua đó, luật tục điều chỉnh mối quan hệ của mọi thành viên trong gia đình. Ở đó, mọi người yêu thương đùm bọc với nhau và sống có tôn ti, nề nếp. Tất nhiên tình cảm này phải được biểu hiện thành những hành động cụ thể. Đồng bào đã quan niệm: “Thương vợ, thương con, thương cho tỏ. Thương anh, thương em, thương cho thật. Thương con, thương dâu, bồng bế ngay đùi. Thương con, thương cháu, cho bú sữa mẹ. Yêu thương thân ái, đi đến cội nguồn” (Luật tục Mạ)
Qua đó, mọi người sống có trên có dưới khi họ răn dạy con cái “bắp chân không to hơn bắp đùi, giọt sương không to hơn giọt mưa… con người mình có lớn có nhỏ” (Luật tục Chu Ru). Điều này chứng tỏ luật tục của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên vừa khoan hoà, nhân ái, vừa nghiêm khắc trong việc điều chỉnh quan hệ gia đình. Luật tục đã điều hoà quan hệ vợ chồng để gia đình của họ trong ấm, ngoài êm. Trước hết, vợ chồng phải thuỷ chung yêu thương nhau, tạo không khí hoà thuận, hạnh phúc. Nhiều bài luật tục khác có tác dụng “giảm nhiệt”, gắn kết tình cảm vợ chồng khi giải thích chuyện vợ chồng đánh, chửi nhau chẳng qua là nồi và đũa cả va chạm nhau, con nai ngứa sừng húc nhau.
Tiếp theo là những trường hợp tự ý bỏ vợ khi đã có con, là tội xâm phạm đạo đức gia đình và phá vỡ thuần phong mĩ tục của đồng bào. Thông thường, tội này vừa bị lên án gay gắt, vừa bị chế tài tương đối nặng (có nơi người chồng phải đền cho vợ 2 con trâu, 1 con vịt, 1 tấm ồi, 1 ché rượu cần, 1 con dao, 1 cái tô, 1 cái nồi, 1 cái giỏ đựng gạo, 1 túi gạo, 1 túi muối cho con).
Tuy nhiên, vấn đề ly hôn hiện nay chủ yếu được xử theo Luật Hôn nhân và Gia đình nên hình phạt theo luật tục không còn tồn tại. Mặc dù vậy, vai trò điều chỉnh của nó trong vấn đề này vẫn sâu đậm bởi sức mạnh của dư luận và sự day dứt về mặt đạo đức theo truyền thống hôn nhân và gia đình của ông bà xưa.
Hơn nữa, luật tục đã điều chỉnh quan hệ giữa bố mẹ với con cái. Ở đây, cho thấy một vấn đề đặc biệt nổi trội là có rất nhiều bài luật tục đề cập đến vấn đề bố mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành. Bởi đồng bào quan niệm: “Có dạy mới biết. Có dạy mới khôn khéo. Có uốn nắm mới nên” (Luật tục Cơ Ho).
Nhiều bài luật tục khác lại quy định con cái phải có bổn phận nghe lời dạy bảo của bố mẹ, anh em, chú bác và ông cậu. Chính vì vậy, gia đình của họ thực sự trở thành tổ ấm, thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp. Tuy nhiên, luật tục cũng quyết liệt kết tội những đứa con hư hỏng dám đánh bố mẹ theo cái cách rất cấm kị trong truyền thống văn hoá của đồng bào là “quật bằng chân gùi, quật bằng thanh củi, quất bằng cọng lúa”.
Rõ ràng, những đứa con như vậy đã chà đạp lên cả đạo đức, đạo lý và nền tảng gia đình của cộng đồng thôn buôn. Việc lên án này chính là áp lực của dư luận xã hội. Nó có chức năng giáo dục và tự giáo dục đối với những trường hợp băng hoại đạo đức.
Già làng K’Diệp, dân tộc Mạ ở xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm cho biết thêm: “Để gia đình, dòng tộc ấm êm, tốt đẹp thì vị thế của ông cậu (kồnh, mia) đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó trách nhiệm của hai ông cậu có vai trò lớn: Kồnh dờng (anh mẹ) và kồnh pàng (trưởng tộc). Dù đi lấy vợ xa đến đâu hoặc khó khăn đến mấy, nhưng khi bên gia đình hoặc dòng họ mình có việc cần giải quyết là hai ông cậu này phải có mặt.
Tiếng nói của họ có vị thế đặc biệt đối với con cháu. Chính vì vậy, ông cậu vừa có vai trò giáo dục vừa có vai trò hoà giải trong phạm vi gia đình và dòng tộc. Xã hội hiện đại có tiến bộ đến đâu thì vị trí của ông cậu trong đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên vẫn không thay đổi”.
Gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình có hoà thuận, no ấm thì xã hội mới khoan hoà và bình ổn. Luật tục các dân tộc gốc Tây Nguyên đã rất chú trọng bảo vệ nền tảng văn hoá đó. Điều quan trọng, khi xây dựng gia đình và thôn văn hoá là phải thấy được và khơi dậy được những giá trị tiềm năng đó.
Đồng thời, phải mở rộng phạm vi giáo dục con cái, bên cạnh việc giáo huấn về luân lý, cần chú trọng vấn đề khuyến khích học hành, mở mang tri thức bằng việc giao lưu học hỏi. Chỉ có như vậy mới có thể phát huy những mặt tích cực của luật tục trong việc xây dựng gia đình, thôn văn hoá nói riêng và đời sống văn hoá nói chung trên địa bàn cư trú của các dân tộc Tây Nguyên hiện nay.