Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em
Theo đánh giá của Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), những năm gần đây, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm buôn bán người rất phức tạp. Số nạn nhân bị mua bán khoảng 11,7 triệu người (chiếm 70% số nạn nhân bị mua bán trên thế giới, trong đó 55% là phụ nữ, trẻ em gái).
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, từ năm 2015-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ việc, với gần 1.700 đối tượng có hành vi lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Theo đánh giá của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nạn nhân của các vụ buôn bán người ở Việt Nam chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (trên 90%), trong đó đa số là người DTTS (chiếm trên 80%).
Phụ nữ và trẻ em người DTTS dễ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, kiến thức tự bảo vệ còn thiếu,… Đặc biệt, phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
Tại Tọa đàm “Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người” được tổ chức ngày 30/7/2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, những năm qua, hoạt động của tội phạm buôn bán người ở Việt Nam nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng diễn biến phức tạp. Các đối tượng trong và ngoài nước đã hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi.
“Tội phạm buôn bán người lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục; lợi dụng các quy định về y tế, nhân đạo, cho nhận con nuôi, mang thai hộ để bán trẻ sơ sinh…; lợi dụng hình thức thăm thân, du lịch hoặc tổ chức các đường dây xuất cảnh trái phép, sau đó thu giữ giấy tờ rồi đưa đến các cơ sở lao động cưỡng bức…”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện chia sẻ.
Mới đây (ngày 23/11/20220), tại Gia Lai, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với UNODC đã tổ chức Hội thảo tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tại hội thảo, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam cho biết, mua bán người đang là thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Ước tính mỗi năm, có 21 triệu người bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn, và có 1/3 số vụ mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra trong khu vực Đông Nam Á hoặc từ khu vực Đông Nam Á... Vì vậy, Hội thảo cơ hội cho các đại biểu trao đổi về quá trình thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân tại địa phương, công tác phối hợp liên ngành giữa các đơn vị chức năng và kinh nghiệm của các quốc gia trong hỗ trợ nạn nhân mua bán người, từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp trong tương lai.
Kiên quyết đấu tranh
Trước tình hình tội phạm buôn bán người liên tục có những diễn biến phức tạp, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương luôn coi công tác phòng, chống buôn bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Các lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ đã triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp, nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này.
Một thực tế là, với tội phạm buôn bán người, việc giải cứu nạn nhân là không hề dễ, bởi ngoài phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm thì việc tìm được địa điểm chính xác của nạn nhân vô cùng chông gai. Đơn cửa như trường hợp con gái của bà Tẩn Mí Sinh, ở khu 1 (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ và lừa bán sang Trung Quốc năm 2020. Nhiều năm nay, mặc dù gia đình cùng cấp ủy, chính quyền luôn tìm kiếm nhưng vẫn chưa có thông tin gì.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, một trong những khó khăn hiện nay trong phòng, chống buôn bán người là công tác điều tra tội phạm và giải cứu nạn nhân người Việt Nam ở nước ngoài gặp trở ngại nhất định do quy định pháp luật của nước sở tại. Ngoài ra, việc phát hiện và triệt phá tận gốc các đường dây buôn bán người gặp khó khăn do đối tượng, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội cả trong và ngoài nước.
Để ngăn chặn nguy cơ buôn bán người trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động đưa người di cư trái phép, ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg, ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam hiện đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ buôn bán người thông qua các hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép (dù hai loại hình tội phạm này là khác nhau).
Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành cũng được duy trì, củng cố dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP). Đối với công tác phòng, chống buôn bán người, bên cạnh cơ chế làm việc của Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an đã thành lập Tổ Công tác liên ngành thực hiện Chương trình phòng, chống buôn bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Công tác phòng, chống buôn bán người cũng là nội dung được đặt ra trong nhiều chương trình, chiến lược triển khai trong giai đoạn 2021 – 2030. Đó là: Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tội phạm buôn bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia; đồng thời để lại những hệ lụy lâu dài đối với bản thân nạn nhân và toàn xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nạn nhân của tội phạm buôn bán người tái hòa nhập.
Trong đó, có Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định nạn nhân bị mua bán là đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng.
Theo Nghị định, mức hỗ trợ dành cho nạn nhân đã được điều chỉnh (tăng số tiền ăn dành cho nạn nhân bị mua bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng) nhằm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu của nạn nhân phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đặc biệt, ngày 18/7/2022, các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống buôn bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán. Việc ban hành Quy chế truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công ác phòng, chống buôn bán người.
Để phòng, chống tội phạm mua bán người, bên cạnh công tác đấu tranh kiên quyết và tuyên truyền, vận động thì theo đánh giá của đại diện các cơ quan chức năng, các địa phương cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, tạo thêm nhiều việc làm; ưu tiên, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Một trong những giải pháp đột phá là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025, nhất là các dự án hỗ trợ phụ nữ và trẻ em DTTS gia tăng tiếp cận các điều kiện để phát triển toàn diện.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.