Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thúc đẩy hợp tác xã phát triển từ sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Minh Thu - 12:45, 10/10/2022

Bên cạnh việc củng cố hoạt động, mở rộng liên kết sản xuất kinh doanh, thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã chú trọng xây dựng, phát triển sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Từ đó, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho thành viên HTX, tạo cơ hội, động lực thúc đẩy HTX phát triển.​

Là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, Sơn La có nhiều điều kiện để phát triển Chương trình OCOP.
Là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, Sơn La có nhiều điều kiện để phát triển Chương trình OCOP.

Sản phẩm OCOP khẳng định vị thế HTX

Sau 4 năm triển khai trên cả nước (2018-2022), Chương trình OCOP đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của các địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn. Ðến nay, cả nước có hơn 7.460 sản phẩm OCOP của hơn 4.060 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, chủ thể OCOP là HTX chiếm tỷ lệ 38,7% trên tổng số chủ thể.

HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có xuất phát điểm từ một tổ hợp tác. Từ năm 2017, tổ hợp tác được chuyển đổi thành HTX Sơn Trà, với 20 thành viên, sản xuất, chế biến chè và sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. HTX đã thực hiện liên kết với tất cả các thành viên và các hộ dân có chè Shan trên địa bàn xã để thu mua chè tươi, hướng dẫn bà con chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật.

Hiện nay, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của HTX Sơn Trà đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc: Không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp.

 Trong quá trình sản xuất, HTX luôn đặt ra mục tiêu đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để cho ra thành phẩm những sản phẩm chè Shan tuyết có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Xưởng sản xuất, chế biến chè của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang
Xưởng sản xuất, chế biến chè của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà chia sẻ: HTX Sơn Trà hiện có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao là chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá, chè Shan tuyết Lộc Trà; 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là chè Shan tuyết 1 tôm 2 lá. Sản phẩm đang được thử nghiệm ở hai thị trường Pháp và Mỹ, hướng tới đưa mục tiêu đạt chuẩn chất lượng OCOP 5 sao để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Còn tại Sơn La, từ khoảng bốn năm trở lại đây, địa phương này được biết đến, là hiện tượng nông nghiệp của cả nước khi địa phương này có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, nhất là các loại hoa quả như mận, xoài, chuối, hồng, thanh long, nhãn… Đặc biệt, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo chị Lương Thị Thanh, thành viên HTX nông nghiệp Quyết Thanh, Thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu: Từ khi phát triển các sản phẩm OCOP, bà con địa phương yên tâm gắn bó hơn với các loại cây trồng đặc sản của địa phương, bởi thị trường tiêu thụ được mở rộng, đầu ra của sản phẩm cũng được đảm bảo. Hiện nay, các sản phẩm như: mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược, rượu mận, xoài sấy dẻo, hồng giòn sấy dẻo làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đời sống thành viên HTX có nhiều chuyển biến tích cực, với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Bà Trần Thị Thiên Vẹn, giới thiệu về dừa sáp - nguồn nguyên liệu để sản xuất kẹo dừa sáp, sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Bà Trần Thị Thiên Vẹn, giới thiệu về dừa sáp - nguồn nguyên liệu để sản xuất kẹo dừa sáp, sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP của các HTX nông nghiệp đã có mặt tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn. Như sản phẩm trà bí đao Chuya Food và thịt bò khô Chuya Food của HTX Nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) lên kệ các siêu thị từ năm 2021, ngay khi đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh (đồng nghĩa với việc HTX được hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm, quảng bá, giới thiệu trong các hoạt động xúc tiến thương mại).

“Sản phẩm OCOP của HTX có mặt tại siêu thị và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch là cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho các thành viên. Hiện, HTX đang cố gắng hoàn thiện thêm 2 sản phẩm, là thịt lợn thịt heo Brong 1 nắng và măng sấy để tham gia Chương trình OCOP trong thời gian tới, vừa tạo thương hiệu, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên”, ông Nguyễn Thiên Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai: Từ khi triển khai Chương trình OCOP, các HTX đã phát huy tốt vai trò trong xây dựng mô hình kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ Chương trình OCOP, thành viên các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi về nhận thức, tư duy trong sản xuất, tập hợp nhiều hộ dân tổ chức sản xuất các sản phẩm đặc trưng, chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao, dần trở thành thương hiệu riêng của vùng miền. 

Giá trị sản phẩm của thành viên làm ra được nâng cao, tăng thêm 5-10% so với trước khi chưa tham gia OCOP. Việc đạt chứng nhận OCOP 3 - 4 sao đã giúp các HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, mở ra cơ hội để vươn xa trên thị trường. Bên cạnh đó, tham gia OCOP sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

“Đòn bẩy” để phát triền bền vững nông nghiệp, nông thôn

Một trong những tín hiệu đáng mừng là các sản phẩm OCOP của các HTX nông nghiệp trên cả nước ngày càng được thị trường ưa chuộng. Các sản phẩm OCOP với kết tinh của văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cùng với chất lượng cao, đặc thù, an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp... đang ngày càng tạo được lòng tin của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Từ năm 2021, các sản phẩm OCOP Việt Nam đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn để làm quà tặng cho lãnh đạo các nước, trong các chuyến công tác và sự kiện ngoại giao quốc tế càng làm tăng hình ảnh của sản phẩm OCOP Việt Nam.

Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: Hoàng Văn).
Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: Hoàng Văn).

Những năm gần đây, chương trình OCOP đã giúp khai thác, phát huy các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và nguồn nguyên vật liệu sẵn có, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn; Thúc đẩy chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX và doanh nghiệp… Từ đó, tạo ra các sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã và bao bì đa dạng, thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường.

Ðến nay, cả nước có 354 chủ thể OCOP kết nối và bán được sản phẩm OCOP ổn định trên các hệ thống siêu thị. Doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị lớn đã quan tâm tăng cường đặt hàng và ưu tiên đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối, bán hàng.

Thông tin từ Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP đã tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy kinh tế nông thôn, kinh tế HTX phát triển, trong đó, đặc biệt phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào DTTS. Ðồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn.

Có thể nói, việc phát triển kinh tế tập thể thông qua mô hình HTX, tổ hợp tác được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định là đòn bẩy để phát triền bền vững nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, với những tiêu chuẩn gắt gao về chất lượng, sẽ là động lực để các HTX, tổ hợp tác trên cả nước có sự đầu tư hơn về trang thiết bị, thay đổi ý thức canh tác phù hợp theo nhu cầu thị trường, nâng cao hơn nữa giá trị lợi nhuận, đầu tư về “chất” thay vì “lượng”, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.