Triển khai Dự án 8, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt đã định hướng, chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực truyền thông, vận động thay đổi nhận thức về bình đẳng giới... Các mô hình hoạt động đã phát huy hiệu quả đầu tư, nhiều chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra.
Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, vẫn còn tình trạng bất bình đẳng, định kiến giới, tình trạng mù chữ, tảo hôn, sinh con thứ 3…
Thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã triển khai tại 648 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 66 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; tập trung vào đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Chị Triệu Thị Thắm, Trưởng ban Tuyên giáo - Gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn cho biết: Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn giai đoạn I: 2021-2025 đã đạt những kết quả tích cực.
Việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và cộng đồng về việc xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Qua các hoạt động tuyên truyền, chị em phụ nữ được trang bị những kiến thức cơ bản về giới, định kiến giới, bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ.
Chị Ngô Thị Kia, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cốc Slông, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn), chia sẻ: Những năm trước đây, phụ nữ chỉ quanh quẩn với con lợn, con gà, lên nương, lên rẫy, làm việc nặng nhọc, không có tiếng nói trong gia đình. Nhờ đẩy mạnh truyền thông nên nhận thức của hội viên phụ nữ và người dân trong thôn đã có nhiều thay đổi. Giờ đây, phụ nữ dân tộc được quan tâm tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương, có tiếng nói trong chăm sóc, nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế gia đình.
Còn tại Cao Bằng, triển khai thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh chủ động tham mưu triển khai, thực hiện Dự án với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử của các cấp Hội và trên Zalo, facebook… để cập nhật thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Tổ chức trên 230 hội nghị, lớp tập huấn, lớp hướng dẫn triển khai Dự án 8, 135 hội nghị bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em cho trên 9.600 người dân tại các xóm; ra mắt và thành lập 410 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 36 hội nghị tập huấn kỹ năng vận hành tổ truyền thông cộng đồng với sự tham gia của 2.204 thành viên…Với những nội dung hoạt động cụ thể được triển khai đồng bộ xuống các cơ sở hội, đến nay đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt.
Chị Hoàng Thị Mai, xóm Táy Trên, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng cho biết: Được Hội LHPN xã tuyên truyền về những tác hại, hệ lụy của việc sinh nhiều con, dù sinh 2 con gái nhưng tôi quyết định dừng lại để nuôi dạy cho tốt. Chị Mai chia sẻ: Bản thân tôi và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt nếp sống văn minh, chống tệ nạn xã hội. Nhiều năm liền, gia đình tôi là gia đình văn hóa, cùng góp sức tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở nơi cư trú.
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Với vai trò là cơ quan chủ trì dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thiết kế, xây dựng nhiều mô hình cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi. Cụ thể tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH; Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng…
Theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, qua gần 4 năm thực hiện, ghi nhận tại 40 tỉnh dự án được cấp ngân sách Trung ương và 11 tỉnh tự chủ ngân sách đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Dự án triển khai hiệu quả các chỉ tiêu cốt lõi, với 02/9 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 5/2024, các địa phương đã thành lập, vận hành 8.624/9.000 Tổ truyền thông cộng đồng, truyền thông cho 368.302 người dân; thành lập, củng cố 1.809/1000 Địa chỉ tin cậy, hỗ trợ, tư vấn cho khoảng 49.339 phụ nữ, trẻ em, vượt chỉ tiêu giai đoạn 1; thành lập và duy trì 1.556/1800 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, hỗ trợ 135/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ, đạt 27% chỉ tiêu giai đoạn 1.
Các cấp Hội đã tổ chức tập huấn về kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 2.611/2.000 cán bộ nữ; tổ chức nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị với 271/480 cuộc tập huấn cho 13.179 cán bộ huyện, xã; tổ chức 750/1600 cuộc tập huấn cho 41.614 người trưởng thôn/bản, Người có uy tín tại cộng đồng...
Đồng thời, tổ chức 1.822/4.400 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, thu hút 105.844 người tham gia, đạt 41,4 % chỉ tiêu giai đoạn 1. Thực hiện, chi trả 04 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại 10 tỉnh cho khoảng 6.200 bà mẹ, với tổng số tiền chi trả khoảng 7.300 triệu đồng…
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, cho biết: Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", là nỗ lực không ngừng vì bình đẳng giới và chăm lo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Mục tiêu của Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục có hại đối với phụ nữ, trẻ em mà còn hướng đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là phụ nữ và trẻ em DTTS thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật, nạn nhân của bạo lực gia đình và các vấn đề xã hội khác”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.