Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước (chiếm gần 40% diện tích). Nhưng đồng thời, đây cũng là một trong 5 tỉnh của nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu(BĐKH) và là một trong 3 tỉnh dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, để ứng phó với BĐKH, những năm gần đây, tỉnh đã áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái. Theo đó, tôm được nuôi dưới tán rừng ngập mặn; bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng hướng dẫn nông dân sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm. Ngoài ra, Cà Mau còn có hơn 50.000ha nuôi tôm kết hợp các đối tượng nuôi khác như tôm - cua, tôm - cá, tôm - sò huyết…
Theo ông Triều, năng suất tôm nuôi dưới tán rừng đạt chứng nhận tôm sinh thái trung bình 300 - 350 kg/ha/năm, giá bán cao hơn 15 - 20% so các loại tôm nuôi khác. Còn năng suất tôm nuôi trên đất có trồng lúa trung bình 350 - 400 kg/ha/năm, cao hơn khoảng 15 - 20% so mô hình nuôi tôm quảng canh không có trồng lúa.
Với định hướng “thuận thiên”, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong đó mũi nhọn là nuôi tôm đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm mang về trên 1 tỷ USD, nghề nuôi và chế biến thuỷ sản ở Cà Mau còn là nguồn sinh kế cho trên 305 nghìn hộ dân và tạo ra nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thuỷ sản, các ngành thương mại dịch vụ liên quan...
Cũng như Cà Mau, ở Bạc Liêu-địa phương có diện tích nuôi tôm chỉ sau Cà Mau, trước đây, tình trạng hạn hán, triều cường dâng cao, xâm nhập mặn đã diễn ra liên tục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Để ứng phó, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng những mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, thích ứng với BĐKH, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.
Không chỉ riêng Cà Mau, Bạc Liêu mà ở các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, những mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng “thuận thiên” đang phát triển tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp thì ngành Nông nghiệp các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hơn.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau-ông Lê Thanh Triều cho rằng, sản xuất có tốt đến mấy đi nữa cũng phải gắn liền với bao tiêu, với đầu ra. Trong đó, với xu thế chuộng nông sản sạch và an toàn của các nước phát triển trên thế giới ngày càng được chú trọng.
“Từ đó, doanh nghiệp lựa chọn vùng nguyên liệu sạch phục vụ xuất khẩu, thì mô hình “tôm - lúa” luôn là lợi thế. Sản phẩm làm ra sẽ đạt chuẩn từ con tôm đến hạt lúa, mà nhất là thích nghi được với khí hậu cực đoan như hiện nay” ông Triều phân tích.
“Thuận thiên” để phát triển là xu hướng tất yếu, nhưng cùng với đó thì phải tăng cường áp dụng công nghệ vào nuôi tôm cũng là vấn đề cần được ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm. Như Bạc Liêu, đứng sau Cà Mau về diện tích nuôi tôm nhưng lại là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất tôm công nghệ cao, với diện tích sản xuất hơn 1.380ha.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất cao. Còn các mô hình nuôi tôm sinh thái thì tiếp tục sản xuất tôm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Đây cũng là nơi lan tỏa những công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại nhất cho ngành tôm cả nước và hiện thực hóa mục tiêu 10 tỷ USD về giá trị xuất khẩu mà Thủ tướng đặt ra cho ngành tôm đến năm 2025”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định.