Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nghị quyết 120 của Chính phủ: Tạo động lực phát triển cho ĐBSCL

PV - 14:31, 08/07/2019

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu, được đánh giá là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ để người dân thay đổi tập quán của mình nhằm thích ứng và phát triển bền vững.

Tác động tích cực

Nghị quyết 120 nhấn mạnh, phải xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu tại ĐBSCL, phải sống chung và thích nghi, tức là phải “thuận thiên”; các giải pháp thích ứng phải tiếp cận từ tổng thể gắn kết liên vùng, liên tỉnh, liên khu vực; bắt đầu từ quy hoạch, điều phối phát triển đến các hoạt động đầu tư để đảm bảo hiệu quả.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH.

Thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đánh bắt của ngư dân. Thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đánh bắt của ngư dân.

Đặc biệt, các bộ, ngành và các địa phương đã có nhiều chuyển biến trong cải thiện môi trường đầu tư. Vùng ĐBSCL đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư và đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng. Tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL năm 2018 đạt 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, ngành Nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Nhờ đó, trong năm 2018 sản lượng cá tra đạt 1,41 triệu tấn, chiếm 95% sản lượng cả nước; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%, sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước... Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực (gạo, cá tra, tôm, trái cây) đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.

Nhìn thẳng vào những hạn chế

Sau khi ban hành Nghị quyết số 120, để xử lý vấn đề cấp bách, có ý nghĩa sống còn với ĐBSCL là sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg hỗ trợ vốn cho các địa phương thuộc vùng ĐBSCL 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, dẫn đến việc còn 3 tỉnh, thành phố chưa triển khai thi công xây lắp. Một số tỉnh đã triển khai cũng gặp vướng mắc.

Tại Cà Mau, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết: Tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở, cả giải pháp công trình và phi công trình, qua đó đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu, với chiều dài gần 29.000m ở các tuyến kè giảm song; tạo được bãi bồi phía trong tuyến kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển.

Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân, cơ chế gây ra sạt lở để có giải pháp tổng thể phù hợp chưa được làm rõ, một số giải pháp công trình gây bồi tạo bãi có hiệu quả nhưng vốn đầu tư còn cao, bình quân 20 tỷ đồng/km, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, đang gây khó trong thời gian sắp tới, nhất là ĐBSCL bước vào mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nhận định, thách thức lớn của ĐBSCL trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thích ứng với BĐKH đó chính là thiếu đầu ra ổn định cho sản phẩm, chưa quy hoạch tổng thể được cơ cấu ngành cho toàn vùng và thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, các địa phương có thể giảm diện tích lúa để lựa chọn cây trồng có giá trị cao hơn hoặc chuyển sang nuôi thủy sản có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí vùng trồng lúa nào cần được thay thế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, từ đó, Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cùng nhau tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới.

Người nông dân cũng cần có sự đổi mới, thay đổi tư suy sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để nông dân trong các vùng quy hoạch nông nghiệp sản xuất những cây, con cụ thể, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ…

NHƯ TÂM