Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG

Phạm Tiến - 07:03, 11/04/2024

Ba Chương trình MTQG: Giảm nghèo bền vững; Nông thôn mới (NTM) và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). đã và đang trở thành động lực mạnh mẽ giúp Thừa Thiên Huế dần thu hẹp khoảng cách giữa vùng khó với vùng thuận lợi. Để nguồn vốn của các Chương trình MTQG phát huy hiệu quả, trong quá triển triển khai, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn chủ động tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

(Bài KH) Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG
Với hơn nửa diện tịch toàn tỉnh thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 3 chương trình MTQG đã và đang là động lực lớn giúp Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện

Chương trình MTQG 1719 - Nguồn vốn lớn, giải ngân nhanh

Hiện nay Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung đang đồng loạt triển khai 3 Chương trình MTQG là: Giảm nghèo bền vững; Nông thôn mới (NTM) và Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). 

Là địa phương có hơn phần nửa diện tích thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, nguồn vốn đầu tư từ 3 chương trình MTQG đã và đang trở thành động lực quan trọng giúp Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế-xã hội đồng đều và toàn diện. Từng bước nâng đời đời sống kinh tế và mức tiếp cận khoa học công nghệ, thụ hưởng văn hóa, y tế của đồng bào các DTTS và miền núi ngang bằng với người dân vùng nông thôn đồng bằng.

Chỉ tính riêng nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, trong năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế được trung ương phân bổ hơn 200 tỷ đồng. Cộng thêm nguồn đối ứng của địa phương, 10 Dự án trong Chương trình MTQG 1719 được triển khai đồng bộ. Với Sự quyết liệt từ cấp tỉnh đến cấp xã, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong tốp đầu của cả nước. 

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp, tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân được 80%, riêng vốn kéo dài từ năm 2022 giải ngân 96% nguồn vốn chương trình MTQG 1719. Nguồn vốn được giải ngân đúng tiến độ nên đã tác động tích cực đến đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn.

(Bài KH) Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG 1
Ông Nguyễn Thanh Bình (thứ 2 từ trái qua phải)-Phó Chủ tịch Thưởng trực UBDN tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đoàn công tác đi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Nam Đông

Ghi nhận tại huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế), sau hơn 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, tổng nguồn lực đã huy động đầu tư trên địa bàn huyện đạt hơn 66 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đạt cao đã giúp Nam Đông chuyển biến tích cực, toàn diện.

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Trần Quốc Phụng cho biết: “Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi toàn huyện tăng lên 40,9 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, năm 2021 là 8,25%, cuối năm 2022 là 5,3% và năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Đông chỉ còn 2,62%”.

Giảm nghèo bền vững - Các chỉ số đã chuyển biến tích cực

Cùng với nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, trong giai đoạn năm 2022- 2023, Thừa Thiên Huế được Trung ương phân bổ hơn 489 tỷ đồng thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trong đó năm 2022 là 189 tỷ đồng, năm 2023 gần 300 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 35,9% nguồn vốn nói trên.

(Bài KH) Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG 2
Phát triển kinh tế rừng là một trong những nội dung mà huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) triển khai để giúp đồng bào các DTTS ở địa phương thoát nghèo bền vững

Ghi nhận tại huyện A Lưới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện triển khai thực hiện quyết liệt. Đồng thời, địa phương đã thực hiện tốt việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình MTQG.

 Với phương châm đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên….nên việc giải ngân diễn ra đúng tiến độ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Mạnh Hùng,Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Đến thời điểm 20/02/2024, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển trong chương trình giảm nghèo bền vững là 252.689/344.867 triệu đồng đạt 73% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn năm 2022 cho phép kéo dài thực hiện năm 2023 là 113.131/141.126 triệu đồng đạt 80%; Vốn giao năm 2023 là 139.559/203.741 triệu đồng đạt 68%. Về vốn sự nghiệp: Lũy kế giải ngân đến 20/02/2024: 100.115/223.962 triệu đồng đạt 45% vốn UBND tỉnh giao”.

Xây dựng NTM - Đạt mục tiêu đề ra

So với 2 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai sớm hơn. Do đó, mức độ tác động và phạm vi ảnh hưởng tích cực đến đời sống nhân dân cũng có bề dày. 

Tính đến nay, Thừa Thiên Huế đã có 73 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, đạt tỷ lệ 78%. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,83 tiêu chí/xã. Đặc biệt, ở Thừa Thiên Huế đã có 2 đơn vị cấp huyện có quyết định công nhận là thị xã Hương Thuỷ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới. 

Với tổng nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 ở tỉnh Thừa Thiên Huế, là 6.676 tỷ đồng. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn này đã làm cho nhiều vùng nông thôn ở Thừa Thiên Huế trở nên khang trang, đáng sống. Cùng với đó, các nội dung hỗ trợ như xây dựng vườn kiểu mẫu, hỗ trợ cây trồng vật nuôi mà NTM đã thực hiện, đời sống nhân dân vùng nông thôn không ngừng được cải thiện.

(Bài KH) Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG 3
Chương trình MTQG xây dựng NTM, góp phần làm cho nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế trở nên khang trang hơn

Cùng với đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM, Thừa Thiên Huế đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm thêm ít nhất 23 xã đạt chuẩn NTM . Ngoài ra, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đưa tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM của tỉnh thành 5 đơn vị (đạt tỷ lệ 55%).

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận: “Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc. Đời sống đồng bào DTTS và miền núi không ngừng được tăng lên. Có được kết quả đó, là nhờ sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Đặc biệt là địa phương luôn tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Từ đó, nguồn vốn đầu tư phát huy hiệu quả tốt nhất tác động tích cực đến đời sống an sinh của Nhân dân”.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.