Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thôn Là A giữ nghề mây tre đan

Sơn Ngọc - 10:18, 09/12/2019

Thôn Là A thuộc xã Phước Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) có nhiều người dân tâm huyết giữ nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào Raglai. Các sản phẩm đan lát từ mây tre gắn bó thiết thân với đời sống của người dân địa phương. Nghề mây tre đan tạo ra những sản phẩm tinh xảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập nâng cao đời sống gia đình.

Anh Tạ Yên Tình truyền nghề đan lát mây tre truyền thống của đồng bào Raglai cho thanh niên địa phương
Anh Tạ Yên Tình truyền nghề đan lát mây tre truyền thống của đồng bào Raglai cho thanh niên địa phương.

Trở lại thôn Là A vào những ngày cuối tháng 11 năm nay, chúng tôi được sống trong không gian thanh bình no ấm của đồng bào Raglai gắn bó với nghề mây tre đan.

Ngồi trước hiên nhà ấm áp nắng sớm, anh Tạ Yên Tình chăm chú đan những chiếc gùi xinh xắn để kịp giao theo đơn đặt hàng của bà con trong làng. Anh tỷ mỉ chạy chỉ từng nút mây rừng vàng óng trên chiếc vành tre nhuộm vỏ cây rừng đen thẫm của chiếc gùi nhỏ xinh xắn. Anh Tình là nghệ nhân đan gùi đẹp nổi tiếng ở xã vùng cao Phước Hà.

Tạ Yên Tình vừa bước qua mùa rẫy thứ 55. Anh đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề mây tre đan do cha mẹ truyền dạy. Anh Tình cho biết vật liệu chính để đan gùi là cây là a, đan nia là cây lồ ô và dây mây dúi bò trên núi cao, cách thôn Là A khoảng một buổi đường đi bộ.

Khó nhất của nghề đan lát là người thợ phải biết vót nan có độ dày bằng nhau, trăm sợi đều như một, đan ra sản phẩm mới tinh xảo. Anh dùng nhựa cây Ta- nung có màu đen nhánh nhuộm nan là a và các thanh tre trụ đỡ bốn góc gùi tạo nên sắc màu hoa văn cho chiếc gùi thêm duyên dáng, bền đẹp.

Mỗi chiếc gùi lớn với chiều cao 35cm do anh Tình đan bán cho bà con với giá 400 ngàn đồng; gùi nhỏ cao 25cm phục vụ biểu diễn văn nghệ giá 300 ngàn đồng; gùi nhỏ cao 20cm dùng để trang trí có giá 200 ngàn đồng. Anh Tình mất khoảng 7 ngày vừa lên núi cao lấy là a vừa ra nan, đan lát hoàn thành một chiếc gùi. Thanh niên trong làng đến học nghề mây tre được anh Tình tận tâm truyền dạy.

Cách nhà anh Tình mươi bước chân là nhà bà Tạ Yên Thị Đê, nghệ nhân đan mây tre tiêu biểu của thôn Là A. Ngồi trước hiên nhà vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà Đê vừa gẩy nan đan gùi theo đặt hàng của bà con thôn Rồ Ôn. Bà Đê là một trong những người phụ nữ cao tuổi thôn Là A còn giữ nghề mây tre đan. Tròn 70 mùa rẫy, đôi tay của bà Đê vẫn thoăn thoắt đan “long hai” gắn kết những chiếc nan là a, lồ ô thành gùi, thành nia, thành tấm cót phục vụ nhu cầu đời sống người dân trên địa bàn xã Phước Hà. Sản phẩm mây tre đan mang thương hiệu bà Đê ở thôn Là A bền đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng.

Anh Ané Dớ, Trưởng Ban quản lý thôn Là A cho biết, toàn thôn hiện có 173 hộ với 695 nhân khẩu đồng bào Raglai. Đời sống của bà con dựa vào nguồn thu nhập chủ yếu từ 50ha ruộng lúa chủ động tưới gieo trồng 2 - 3 vụ/năm và chăn nuôi gia súc có sừng. Trong những năm qua, Nhà nước có nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi gia súc, xây dựng hạ tầng nông thôn giúp người dân địa phương vươn lên làm ăn, bảo đảm cuộc sống gia đình ngày càng no ấm.

Thôn Là A hiện có trên 25 hộ với trên 45 lao động gắn bó với nghề mây tre đan truyền thống, sản phẩm của bà con được thương lái từ miền xuôi lên thu mua cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích bà con phát triển nghề mây tre đan vừa gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Raglai vừa có thêm thu nhập nâng cao đời sống gia đình, tích cực góp phần xây dựng xã Phước Hà đạt chuẩn nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.