Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mây tre đan Vân Sơn tìm hướng hội nhập

PV - 10:35, 13/08/2018

Năm 2013, ông Lê Viết Sơn, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình thành lập hợp tác xã (HTX) mây tre đan Vân Sơn. Sau thời gian tìm tòi học hỏi, đầu tư đến nay, sản phẩm mây tre đan của HTX đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và trên đường hội nhập.

Năm 1997 về hưu, hằng ngày chứng kiến cuộc sống của người dân trong làng, xã thiếu việc làm, loay hoay với kế sinh nhai, ông Lê Viết Sơn luôn có suy nghĩ phải làm một điều gì đó để giúp bà con. Cơ hội đến khi năm 2005, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hoá. Trong thời gian công tác tại đây, ông luôn tìm mọi cách để kết nối, mở các lớp đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau cho người dân. Trong đó, có 2 lớp kỹ thuật đan lát thủ công (dòng mây tre đan) với 58 học viên. Tuy nhiên, để các học viên có việc làm và sống bằng nghề đan lát là điều không đơn giản.

Lớp dạy nghề mây tre đan của HTX Vân Sơn, xã Kim Hóa, Tuyên Hóa. Lớp dạy nghề mây tre đan của HTX Vân Sơn, xã Kim Hóa, Tuyên Hóa.

Với quyết tâm tạo dựng nghề cho làng mình, ông Sơn đã đi các làng nghề cũng như HTX, doanh nghiệp sản xuất mây tre đan khắp cả nước học hỏi và tìm các vùng chuyên cung cấp nguyên liệu để tổ chức sản xuất. Năm 2012, Luật HTX ra đời, với nhiều ưu đãi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, để khuyến khích người dân gắn bó với mô hình kinh tế tập thể, ông Sơn càng quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng HTX của mình.

Mặc dù gia đình và người thân phản đối, nhưng ông vẫn quyết tâm dồn hết tiền tích góp, vay mượn thêm từ bạn bè đầu tư mở lớp dạy nghề mây tre đan cho lao động ở nông thôn.

Tuy nhiên, để sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận là vấn đề không đơn giản. Ngày đầu tổ chức sản xuất, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Vì vậy, ông Sơn đã chuyển hướng bằng cách cung cấp nguyên liệu thô đã qua gia công cho các cơ sở khác; sau đó hợp đồng mời thợ giỏi vào dạy lại cho thợ của mình.

Đối với những lao động có năng khiếu, thích thú với nghề, ông Sơn bỏ kinh phí ra gửi đi các làng nghề để học tập thêm kỹ thuật đan lát.

Chị Hoàng Thị Mai ở Kim Hóa cho biết: Sau thời gian được ông Sơn cho theo học lớp đào tạo nghề mây tre đan trên huyện, đi tham quan học hỏi các nghệ nhân có kinh nghiệm ở các làng nghề, đến nay chị Mai đã tự tin với công việc của mình. Theo chị Mai nếu cần cù, chăm chỉ mỗi tháng cũng có thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng.

Khi đã có đội ngũ lao động lành nghề, ông Lê Viết Sơn đầu tư mở rộng qui mô, mua thêm nhiều thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng tuyển và đào tạo thêm lao động. Người lao động tham gia HTX không ngừng tăng lên. Hiện nay, bình quân thu nhập đạt trên 54 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, HTX Vân Sơn còn chủ động phối hợp với các địa phương trong huyện, mở rộng sang huyện Minh Hóa tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó tạo tiền đề thành lập để hình thành các tổ hợp tác liên kết cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm mây tre đan Vân Sơn rất đa dạng loại hình và mẫu mã khác nhau, tiện ích trong sinh hoạt nên được người tiêu dùng ưa thích. Hiện sản phẩm đang được tiêu thụ trải dài từ Hà Nội vào tận vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Sơn cho hay, hiện nay ông đang kết nối tìm thị trường các nước châu Âu để xuất khẩu nhằm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần khẳng định thương hiệu của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Trần Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa cho biết: Ngoài việc tạo được nhiều việc làm có thu nhập cho lao động, HTX còn giúp thay đổi tư duy sản xuất của bà con; hình thành làng nghề và vùng nguyên liệu, góp phần đa dạng hóa trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Quan điểm của chính quyền là, sẽ tạo mọi điều kiện trong phạm vi cho phép để hỗ trợ HTX ngày càng phát triển.

THU THẢO

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.