Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thời điểm thích hợp để lồng ghép giới trong vùng đồng bào DTTS

PV - 22:06, 17/07/2020

Tại Hội nghị lần thứ 9 Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, diễn ra ngày 10/7/2020, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT), thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có bài phát biểu về vấn đề lồng ghép giới trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Báo Dân tộc và Phát triển lược trích bài phát biểu của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh

“Hội LHPN Việt Nam đã rất chủ động trong việc chuẩn bị một cách bài bản, khoa học, chi tiết và kịp thời các nội dung đề xuất trong Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới (BĐG) và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Có thể nói, sự chủ động của Hội LHPN Việt Nam là điểm sáng hiện nay trong quá trình điều phối, hợp tác giữa UBDT và các bộ, ngành liên quan. Theo như các anh em giúp việc ở Tổ Thường trực của UBDT thì nếu đơn vị nào, bộ, ngành nào cũng chủ động, sâu sát như Hội LHPN thì việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 chắc chắn sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, không vì thế mà không tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số nội dung sau:

Một là, cần lưu ý sự hài hòa của nội dung Dự án 8 trong khuôn khổ 10 dự án của Chương trình MTQG. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại và nếu cần thiết thì bổ sung làm rõ hơn sự liên quan và tính Logic của mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu của Dự án 8 với các mục tiêu được xác định trong Đề án Tổng thể được phê duyệt tại Nghị quyết 88/2019/QH14 và Chương trình MTQG được phê duyệt tại Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội.

Ví dụ như, mục tiêu tổng quát của Dự án 8 của Chương trình MTQG sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện thành công mục tiêu/chỉ tiêu nào của Chương trình MTQG nói riêng và mục tiêu/chỉ tiêu nào của Đề án Tổng thể nói chung.

Hai là, nên bổ sung những giải pháp của Dự án nhằm giải quyết các nguyên nhân, giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi như tên của Dự án. Nội dung các hoạt động đề ra hiện nay là tương đối hợp lý, bao phủ nhiều góc cạnh của đời sống phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi, nhưng đa phần mới là các giải pháp về tuyên truyền, vận động, tập huấn, in tài liệu… Những giải pháp này là cần thiết, nhưng nếu để giải quyết hiệu quả, triệt để các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng này thì cần bổ sung những giải pháp liên quan đến việc nâng cao vị thế, tiếng nói của phụ nữ DTTS trong gia đình, cộng đồng thông qua giải pháp để tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ DTTS…

Ba là, không nên bỏ lỡ cơ hội thông qua nội dung Dự án 8 để có thể lồng ghép, phối hợp với các nội dung khác của Dự án trong Chương trình MTQG. Nói cách khác là không nên xác định Dự án 8 như một dự án hoàn toàn độc lập của Chương trình MTQG. Hội LHPN được giao chủ trì Dự án 8, tuy nhiên bất kỳ dự án nào cũng có thể góp phần để thực hiện các mục tiêu của Dự án 8 và ngược lại. Vì vậy, cần tính đến nhưng hoạt động mang tính lồng ghép trong nội dung Dự án 8 với các dự án khác của chương trình MTQG. Ví như cơ hội của phụ nữ trong Dự án 3 về phát triển nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, hay vị trí, vai trò của phụ nữ, trẻ em trong Dự án 5 về phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… hay cụ thể hơn, là vị trí của phụ nữ trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch trong Dự án 6… Đây chính là chiến lược xác định vấn đề phụ nữ, trẻ em là vấn đề trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG. Đây cũng chính là nhiệm vụ, đồng thời là thế mạnh của Hội LHPN chúng ta cần phải phát huy.

Bốn là, phải huy động “đồng minh” trong quá trình triển khai thực hiện Dự án 8. Tôi lấy ví dụ cụ thể như sau: Thủ tướng hiện nay đề cập rất nhiều đến việc phải sáng tạo hơn nữa trong thực thi công vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông hiện tại cũng đang đẩy mạnh xu thế “Chuyển đổi số” trong mọi mặt của đời sống KT-XH. Nếu có thể, Hội LHPN chủ động làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để cùng với họ phối hợp số hóa tài liệu tập huấn, tuyên truyền cho phụ nữ và trẻ em; số hóa quy trình triển khai, theo dõi và thực hiện chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em; áp dụng khoa học - công nghệ trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em… Tôi cho rằng, mỗi ngành đều đang có những chiến lược khá cụ thể của mình. Nếu Hội LHPN cùng vào cuộc với họ, cùng chỉ ra những vấn đề cấp bách của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi và huy động họ như những “đồng minh” của mình để triển khai thực hiện Dự án 8 thì chúng ta sẽ tạo ra được một nguồn lực khổng lồ, một lực lượng đông đảo và vô vàn những giải pháp để thực hiện Dự án 8 của chúng ta. Không có lúc nào tốt hơn lúc này để chúng ta lồng ghép giới một cách rõ ràng hơn với đồng bào DTTS.

Cuối cùng, xin được phép nhắc lại lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến trong quá trình chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG là đôi lúc chúng ta cứ nghĩ dự án thế này mà ít tiền quá, ít nguồn lực quá… nhưng nếu không thực tế, không nỗ lực và không sáng tạo thì ít như vậy nhưng chưa chắc đã giải ngân được hết kinh phí. Hoặc có giải ngân được hết nhưng chưa chắc đã hiệu quả và trúng mục tiêu như chúng ta mong muốn. Việc thiết kế nội dung Dự án 8 “Thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” hiện tại tương đối cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, cần có cơ chế để các cấp cơ sở có thể phát huy được sáng tạo của họ trong quá trình thực hiện. Nếu không sáng tạo, không dành sự chủ động nhất định cho cấp cơ sở thì việc thực hiện Dự án sẽ gặp không ít thách thức.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.