“Trắng” đảng viên nữ DTTS tại cấp thôn, bản
La Pán Tẩn là một trong 14 xã thị trấn của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Tại đây, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ 98% với gần 48.000 nhân khẩu trong đó, nữ giới chiếm trên 50%. Tuy nhiên, số đảng viên nữ dân tộc Mông lại chỉ có 23 đảng viên trong tổng số 117 đảng viên của toàn xã. Đáng nói hơn là trong số 23 đảng viên nữ có 15 đảng viên ở nông thôn, nhưng số đảng viên này chủ yếu sinh hoạt trong các cơ quan, chi bộ nhà trường, cơ sở y tế và gần như 100% chi bộ thôn, bản không có đảng viên nữ.
Ông Trần Minh Phượng, Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải, chia sẻ: Cũng giống như các xã khác, Đảng bộ xã đã đưa ra nhiều biện pháp để tìm nguồn và bồi dưỡng kết nạp đảng viên nữ tại các chi bộ thôn, bản thậm chí là vận động họ đi học lớp cảm tình đảng, tạo điều kiện hết sức cho công tác phát triển đảng viên nữ, nhưng kết quả số lượng đảng viên nữ vẫn rất khiêm tốn.
Thực tế, thực trạng thiếu đảng viên nữ DTTS đang là vấn đề cấp thiết và nan giải không chỉ riêng tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Tại nhiều tỉnh khác cũng cùng chung cảnh ngộ, đơn cử, như bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) có 234 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Mông, trong đó nữ giới chiếm trên 50% những cả bản chỉ có 3 đảng viên nam, không có đảng viên nữ.
“Những năm qua, địa phương luôn tìm mọi cách để phát triển đảng viên nữ, nhưng khó khăn lớn nhất là nhiều phụ nữ ở đây đều mù chữ, tảo hôn và sinh con thứ 3 nên việc tìm nguồn kết nạp đảng đối với nữ giới gần như là “trắng”, anh Cứ A Chu, Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1 cho biết.
Nhiều khó khăn phát triển đảng
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, khó khăn lớn nhất trong công tác tìm nguồn phát triển đảng viên nữ vùng đồng bào dân tộc Mông ở các chi bộ cấp thôn, bản là do phong tục tập quán lạc hậu; nhận thức về bình đẳng giới hạn chế; phụ nữ Mông ít có cơ hội học hành, ít tham gia công tác xã hội, thiếu uy tín trong cộng đồng dân cư. Hơn nữa, khi đã lấy chồng lại luôn bận rộn với công việc gia đình, không được gia đình ủng hộ khiến động lực phấn đấu bị triệt tiêu.
Đơn cử, tại huyện Mù Cang Chải năm 2016 toàn huyện có 83 trường hợp tảo hôn; từ năm 2017 đến nay lại tăng lên hết sức lo ngại. Cụ thể, năm 2017 có 102 trường hợp; năm 2018 có 108 trường hợp. Còn tính 3 tháng đầu năm 2019, toàn huyện Mù Cang Chải có đến 112 trường hợp tảo hôn và có dấu hiệu tảo hôn (tự về ở với nhau mà không tổ chức cưới, hỏi).
Cũng vì thiếu đảng viên nữ nên công tác xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới tại các vùng cao luôn là bài toán khó. Khi người phụ nữ gần như là lao động chính trong gia đình nhưng vai trò và tiếng nói của họ trong gia đình thì lại mờ nhạt.
Em Cứ A Mỷ, bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) năm nay 18 tuổi, nhưng đã có 2 con. Từ lúc sinh ra đến giờ Mỷ chưa đi đâu ra khỏi bản. 14 tuổi đã phải bỏ học để giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Đến khi 15 tuổi thì lấy chồng, sinh con. Mọi chuyện đều bị sắp đặt. Ít học, sống phụ thuộc vào chồng khiến cho Mỷ cũng như nhiều phụ nữ vùng cao trở nên tự ti trước sự trói buộc từ những nút thắt trong hủ tục tập quán... Những điều này khiến người phụ nữ DTTS hầu như không có cơ hội để vươn lên phấn đấu, phát triển.
Chính vì vậy, việc phát triển đảng viên nữ DTTS đang thực sự là bài toán khó đặt ra với các địa phương miền núi. Để tìm ra lời giải đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, tìm kiếm và tạo nguồn đảng viên nữ DTTS, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và giải quyết những vấn đề cấp thiết ở cơ sở.
HOÀI DƯƠNG