Trong vai là một người có nhu cầu hỏi mua đất, phóng viên được người dân nơi đây nhiệt tình chỉ dẫn: Nếu mua xe nhỏ, thì khoảng 300.000 đồng/xe với ở cự ly gần, 400.000 - 500.000 đồng /xe chở xa hơn, hoặc chở qua xã khác. Tùy vào số km di chuyển mà giá có thay đổi.
Bà Bùi Thị H., người dân thôn 11, xã Quảng Phú phản ánh: Xe bán đất chở đi nhiều ngày nay rồi. Ngoài việc đổ vào các lề đường, nếu nhà nào có nhu cầu mua, thì được ông Tính (cán bộ thôn-PV) bán cho.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc này, phóng viên đã có buổi làm việc với xã Quảng Phú. Tại buổi làm việc, ông Bùi Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú thừa nhận: "Việc người dân phản ánh với phóng viên là đúng sự thật. Theo đó, trưa ngày 15/3, chúng tôi đã cho dừng việc khai thác vận chuyển đất tại thôn 11 này rồi".
Tuy nhiên, ngay buổi chiều hôm đó (15/3), phóng viên chứng kiến, hoạt động chở đất đưa đi các nơi bán vẫn diễn ra bình thường tại địa phương này. Trước phản ánh này của phóng viên, vị chủ tịch nói sẽ cho người vào kiểm tra tiếp.
Khi phóng viên xin được tiếp cận hồ sơ liên quan đến làm đường giao thông, và để xem phương án thi công lượng đất thừa được đổ đi đâu, ông Ngọc cho biết vì chủ trương thống nhất từ dưới thôn và giao cho thôn giám sát chủ động, nên không có hồ sơ giấy tờ gì.
Tuy nhiên, điều đáng nói thêm là, qua tìm hiểu của phóng viên thì, khi thực hiện dự án này, xã cũng không hề báo cáo xin phép cấp trên.
Được biết, vị trí lấy đất là tại thôn 11 xã Quảng Phú. Thôn đang tiến hành chỉnh trang đường giao thông nông thôn, lấy đất tại điểm khai thác để đổ các tuyến đường, 2 lề đường giao thông. Trong quá trình thi công, cán bộ thôn đã cùng doanh nghiệp tư nhân tận thu, khai thác đất để bán ra ngoài.
Thiết nghĩ, nếu ở địa phương nào cũng tự ý làm theo cách này, tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước sẽ chẳng mấy mà bị “móc ruột” để phục vụ lợi ích cá nhân.
Báo Dân tộc và Phát triển theo dõi sự việc và phản ánh tiếp