Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tình trạng tàn phá môi trường ở Phú Yên: Hệ quả của việc trên chỉ đạo, dưới không chấp hành

PV - 15:51, 15/05/2019

Huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên lâu nay vẫn nóng về tình trạng khai thác đất-đá trái phép. Người dân đã nhiều lần phản ánh và cơ quan ngôn luận cũng đã nhiều lần lên tiếng, thế nhưng không hiểu sao, chính quyền địa phương vẫn “bình chân như vại”. Liệu có sự bao che, dung túng của cho các đối tượng khai thác tài nguyên, hủy hoại môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân?

Môi trường bị tàn phá

Những ngày đầu tháng Năm, đi từ xã Hòa Xuân Nam đến xã Hòa Xuân Đông, chúng tôi ghi nhận tại khu vực núi cầu Sông Ván, núi Đá Bia... tình trạng khoét núi lấy đá diễn ra rất rầm rộ, phá hủy môi trường, cảnh quan thiên nhiên và gây nhiều hệ lụy.

Đặc biệt, núi Đá Bia được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2008. Gắn với núi Đá Bia không chỉ là cảnh quan núi non của một danh thắng mà còn có khu rừng Văn hóa-Lịch sử-Môi trường rộng gần 5.700ha với kiểu rừng đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới đồi núi ven biển. Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Đèo Cả, tỉnh Phú Yên đến năm 2020, diện tích bảo tồn của khu rừng Văn hóa-Lịch sử-Môi trường là 5.689,4ha. Thế nhưng hàng chục năm qua, núi Đá Bia luôn là mục tiêu của nạn khai thác đá trái phép để sản xuất vật liệu xây dựng. Từ lâu, khu vực này đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất đá chẻ, “vựa” đá chẻ lớn của Phú Yên.

Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định cấm khai thác đá chẻ dưới chân núi Đá Bia, tuy nhiên hiện nay việc này vẫn diễn ra bình thường. Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định cấm khai thác đá chẻ dưới chân núi Đá Bia, tuy nhiên hiện nay việc này vẫn diễn ra bình thường.

Theo quan sát, dọc chân núi Đá Bia có đến vài chục điểm khai thác đá lớn nhỏ nằm gần nhau. Trong đó có những điểm nằm sát trụ sở UBND xã Hòa Xuân Nam và cách trụ sở Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả-đơn vị quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại Nam Đèo Cả chưa đầy có 100m nhưng không hiểu sao vẫn hoạt động cả chục năm nay?.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Hòa Xuân Nam cho biết: UBND xã nhiều lần tổ chức kiểm tra, truy quét và mời người dân lên làm việc, vận động, tuyên truyền ký cam kết không được khai thác đá trái phép tại núi Đá Bia, nhưng vì mưu sinh họ vẫn tiếp tục làm. Chưa kể người dân còn gây sức ép với chính quyền không cho con đến trường do không có tiền nộp học phí. Thợ đá phần lớn người dân của xã, nếu họ không được làm đá thì không biết làm nghề gì để sinh sống.

Trên chỉ đạo, dưới không chấp hành

Hiện nay, ở huyện Đông Hòa không chỉ nóng tình trạng khai thác đá chẻ trái phép, mà một số cá nhân và đơn vị còn tự ý đào núi mở đường xuống vịnh Vũng Rô ở xã Hòa Xuân Nam, Hòa Xuân Đông để làm du lịch nhưng cơ quan chức năng địa phương không ngăn chặn.

Ngoài ra, nạn khai thác cát bừa bãi tại xã Hòa Hiệp Nam và thị trấn Hòa Hiệp Trung cũng xảy ra thường xuyên. Từ đại lộ Hùng Vương, TP. Tuy Hòa đi qua địa bàn huyện Đông Hòa, hai bên đường Hùng Vương, người dân lấy cát vô tội vạ đã hình thành nhiều hố cát rộng và sâu rất nguy hiểm.

Anh Nguyễn Văn Xuân, một người dân sống trong khu vực chia sẻ: Đại lộ Hùng Vương là con đường đầy tự hào của chính quyền và Nhân dân TP. Tuy Hòa, cửa ngõ ra vào thành phố, đường đến Cảng hàng không Tuy Hòa. Thế nhưng, hai bên đại lộ Hùng Vương qua địa phận huyện Đông Hòa, cát bị lấy nham nhở tạo thành hố sâu, rác thải vứt bừa bãi, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.

Trước tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan trên địa bàn huyện Đông Hòa trong thời gian qua, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo huyện Đông Hòa nhanh chóng giải quyết. Trường hợp vẫn còn tiếp diễn tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực giáp ranh xã Hòa Hiệp Nam, thị trấn Hòa Hiệp Trung nói riêng và khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn nói chung thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Tỉnh cũng giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và huyện Đông Hòa tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên là vậy, nhưng đến nay khu vực hai bên đại lộ Hùng Vương qua đoạn giáp ranh xã Hòa Hiệp Nam và thị trấn Hòa Hiệp Trung vẫn ngập trong rác thải sinh hoạt, nạn khai thác cát và khai thác đá chẻ tại núi Đá Bia vẫn diễn ra. Rõ ràng, UBND huyện Đông Hòa đã buông lỏng và không làm đúng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên trong việc quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.