Trao đổi với ông Phạm Văn H., người dân sống gần đồi cò cho biết: Chúng tôi rất bức xúc trước việc người lạ đến khai thác đất trộm, đưa máy móc về xúc mà người dân không hề hay biết. Đồi cò là nơi tự hào của người dân nơi đây, chúng tôi còn bảo vệ xua đuổi những người lạ đến để săn bắn cò. Vì vậy, chúng tôi sợ sự việc khai thác khiến cho cò sợ hãi không dám quay trở lại đây trú ngụ. Người dân vô cùng lo lắng, khi máy móc, thiết bị vẫn đang nằm chờ khai thác.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã trao đổi với ông Quách Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc. Ông Phong cho biết: Đúng là có hiện tượng khai thác đất tặc tại đồi cò này. Sau khi chúng tôi phát hiện đã cho dừng lại, cắt cử cán bộ trực tại đây. Điều đáng nói ở đây là, mặc dù phát hiện vi phạm, nhưng chính quyền xã Kiên Thọ lại không xử lý, hay trình báo cơ quan cấp trên đúng thẩm quyền.
Được biết, tình trạng khai thác đất như thế này đã diễn ra tại xã Kiên Thọ rất nhiều lần, nhưng mỗi lần phóng viên thông tin, vị Chủ tịch này đều luôn ghi nhận và cho kiểm tra. Phải chăng, việc kiểm tra nhưng không xử lý dứt điểm, khiến tình trạng khai thác đất diễn ra rất tự nhiên tại địa phương này, gây mất an toàn và hoang mang cho người dân, nhất là khi hàng đoàn xe quá khổ, quá tải chở đất chạy rầm rầm trên địa bàn.
Được biết đồi cò này là của hộ gia đình ông Phạm Văn Của, người dân tộc Mường, ở thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Vườn cây của ông Của trở thành nơi trú ngụ của hàng vạn con cò. Sau nhiều năm gắn bó với đàn cò, ông Phạm Văn Của đã được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của huyện, tỉnh và ngành Kiểm lâm Thanh Hóa về thành tích bảo vệ lâm nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nhưng, những ngày gần đây, có đoàn xe ô tô tải và máy múc đưa về tập kết tại ngay chân đồi cò để khai thác đất khiến người dân vô cùng bức xúc.