Trong những năm qua, bằng uy tín, sự am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương, đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, trưởng dòng họ và doanh nhân là người DTTS trên địa bàn huyện Thọ Xuân luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo. Đồng thời, không ngừng tuyên truyền đến Nhân dân ở địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng nhằm góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như ông Lê Ngọc Xuân,là Người có uy tín, ở thôn Đồng Luồng, xã Xuân Phú. Ông Xuân là hộ gia đình đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng luồng kém hiệu quả sang trồng keo lai, đầu tư 2.000 m2 nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng hậu. Cùng với đầu tư phát triển chăn nuôi, đến nay, thu nhập của gia đình ông đạt 200 - 250 triệu đồng/năm.
Hay như ông Lê Văn Nhâm, là Người có uy tín thôn Ba Ngọc xã Xuân Phú. Ông Nhâmluôn quan tâm đến công tác phát triển Đảng viên, cùng với các cấp địa phương giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc của quần chúng Nhân dân. Qua đó, đã trực tiếp tham gia hòa giải thành công 34 vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân; vận động 10 hộ dân tham gia hiến 2.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn.
Không chỉ ông Xuân, ông Nhâm mà nhiều Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân DTTS huyện Thọ Xuân đã và đang đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương. Tiêu biểu như bà Bùi Thị Tỉnh, Khu phố Xuân Long, thị trấn Sao Vàng, là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, chăn nuôi gà lông màu thương phẩm hàng năm thu nhập trên 1 tỷ đồng; ông Bùi Văn Ánh, Khu phố 5, thị trấn Sao Vàng, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, sản xuất và kinh doanh dịch vụ đá ốp lát hàng năm thu nhập trên 2 tỷ đồng; ông Bùi Thanh Tuyền, khu phố 5, thị trấn Sao Vàng, chăn nuôi theo mô hình vườn, ao chuồng hàng năm thu nhập gần 1 tỷ đồng…
Đặc biệt, trong phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như: Khua luống, nhảy sạp, đánh mảng, cồng chiêng, ném còn của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Thái, các trò chơi dân gian, chơi đu trong các dịp lễ Tết, tổ chức các ngày hội làng tạo không gian để thực hành các bản sắc văn hóa dân tộc và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tại các xã Xuân Phú, thị trấn Sao Vàng, Thọ Lâm... Người có uy tín luôn có ý thức và nhắc nhở các thế hệ phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tạo cho thế hệ trẻ có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát triển những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Cầm Bá Tường - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa biểu dương và ghi nhận những thành tích, đóng góp quý báu của đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân DTTS huyện Thọ Xuân.
Các điển hình tiên tiến là “chỗ dựa” vững chắc, là “cầu nối” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc; là tấm gương sáng, đi đầu, hướng dẫn, cùng với đồng bào DTTS đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Mong rằng các cá nhân điển hình sẽ tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; củng cố và tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của huyện Thọ Xuân nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.
Tại Hội nghị, đã có 70 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân tặng Giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Thọ Xuân 2021 - 2023.