Trong những năm qua, bằng uy tín, sự am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương, đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, trưởng dòng họ và doanh nhân là người DTTS trên địa bàn huyện Như Thanh luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo. Đồng thời, không ngừng tuyên truyền đến Nhân dân ở địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng nhằm góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).
Điển hình như ông Quách Văn Lưu (sinh năm 1962), dân tộc Mường, Thôn 6, xã Xuân Du được bà con trong thôn tín nhiệm bầu là Người có uy tín, đồng thời là trưởng dòng họ nên ông Lưu luôn là người gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của thôn, dòng họ, phát động, vận động Nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp xây dựng quê hương.
Ông Lưu chia sẻ: “Thôn 6, xã Xuân Du có hơn 200 hộ, trong đó có 70 hộ là đồng bào dân tộc Mường. Nghề chính của bà con là trồng cây đào phai. Tôi luôn tâm niệm, trong mọi công việc, để bà con nghe theo thì trước tiên mình phải luôn gương mẫu, gia đình mình là gia đình gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Ví như, trong xây dựng NTM, để bà con đồng thuận, tích cực hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn, đường vào sân vận động thôn, gia đình tôi đã tiên phong hiến đất làm đường. Bởi sự đồng thuận, đoàn kết của bà con trong mọi công việc nên thôn 6 đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống Nhân dân dần nâng cao.
Tương tự như doanh nhân tiêu biểu Hà Văn Lực, dân tộc Thái, ở thôn 8, xã Cán Khê đã đầu tư mở công ty kiến trúc và xây dựng tạo việc làm cho hơn 50 lao động người địa phương có việc làm ổn định...
Hay như cô giáo Bùi Thị Bích Thảo dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng mọc, xã Mậu Lâm, Cô tốt nghiệp sư phạm Tiếng Anh năm 2007, hiện đang công tác tại Trường THCS thị trấn Bến Sung. Những năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Bích Thảo luôn nỗ lực nâng cao năng lực của bản thân để giảng dạy và góp phần vào công tác giáo dục mũi nhọn của nhà trường và của huyện nhà. Theo đó, cô Bích Thảo nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện, đã 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, cũng có nhiều học sinh giỏi cấp huyện qua các năm. Với những đóng góp và thành tích nổi bật, cô Thảo được chọn là Người có uy tín của huyện.
Không chỉ ông Lưu, ông Lực, cô Thảo mà hàng trăm Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân DTTS huyện Như Thanh đã và đang đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương. Tiêu biểu như trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế hộ gia đình còn có ông Cầm Minh Hạnh, dân tộc Thái, cán bộ hưu trí thôn Mó 2, xã Cán Khê; ông Bùi Văn Báo, dân tộc Mường, cán bộ hưu trí thôn Đồng Mọc, xã Mậu Lâm đã vận động Nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn, hiến đất làm đường. Ông Trương Văn Tuấn, trưởng thôn Yên Xuân, xã Yên Thọ đã vận động Nhân dân trong thôn đóng góp xây dựng 3km đường bê tông nông thôn; đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn với số tiền 300 triệu đồng. Ông Bùi Văn Bảy, dân tộc Mường, trưởng thôn 2, xã Xuân Phúc đã có nhiều sáng tạo và mạnh dạn trong việc lấy ngắn nuôi dài, tận dụng đất đai để sản xuất nông - lâm nghiệp tổng hợp, mua máy móc về cày cấy, phục vụ bà con...
Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, có nhiều cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Điển hình như Trung tá Trương Văn Quỳnh - Phó trưởng Công an huyện; Thượng úy Lô Văn Đôn - Đội An ninh, Công an huyện, đều là người dân tộc Thái tiêu biểu...
Trong lĩnh vực y tế, Bác sĩ Chuyên khoa I Quách Văn Thiện, Bác sĩ Chuyên khoa I Hoàng Thị Huệ, dân tộc Mường, công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện; bác sĩ Bùi Văn Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện là những thầy thuốc tiêu biểu, tận tình trong công tác chữa trị, cứu người.
Trong lĩnh vực giáo dục có nhiều cá nhân tiêu biểu như thầy giáo Phạm Tiến Triều, Quách Thị Khánh, giáo viên Trường THCS-THPT Như Thanh; cô giáo Lương Thị Loan, giáo viên Trường THCS Xuân Phúc; cô giáo Bùi Thị Thảo là những giáo viên tâm huyết với nghề và có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục...
Đặc biệt, Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái làng Rộc Răm, xã Xuân Phúc hiện nay đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Sết Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái, thôn Mó 1, xã Cán Khê đang đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, xã Phượng Nghi... đã và đang được cộng đồng DTTS gìn giữ, trong đó có vai trò, đóng góp của đội ngũ Người có uy tín.
Được biết, Giai đoạn 2021 - 2023, huyện Như Thanh có 322 Người có uy tín trong vùng DTTS, là đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, trưởng bản, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi... Nhân sĩ, trí thức người DTTS năm 2022 là 415 người. Họ đã và đang tích cực tham gia phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng DTTS, xây dựng NTM. Tham gia giải quyết nhiều việc phát sinh trong đời sống thường ngày, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn huyện Như Thanh.
Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, những Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân đã và đang được cộng đồng các dân tộc huyện Như Thanh đánh giá cao và trân trọng ghi nhận. Nhiều cá nhân tiêu biểu được các cấp, các ngành, huyện tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen trong giai đoạn 2021 - 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Như Thanh khẳng định: Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là người DTTS đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, giữ vững quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào DTTS nói riêng, huyện Như Thanh nói chung.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Như Thanh nhiệm kỳ 2020 - 2025, qua sơ kết giữa nhiệm kỳ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện còn 6,8%, phấn đấu hết năm 2023 giảm còn 3,9%. Hiện nay, Như Thanh có 9 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt NTM nâng cao, 71 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và 17 thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 2 xã và 27 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, và tỷ lệ hộ nghèo giảm 5% hàng năm, hiện có hơn 1000 hộ người DTTS thuộc hộ nghèo chiếm 4,25% toàn huyện. Để đạt được kết quả quan trọng này, có sự đóng góp của đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là người DTTS.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện Như Thanh đề ra phương hướng đó là, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách biểu dương, khen thưởng đối với Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, trưởng dòng họ và doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS; xây dựng lực lượng người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân có phẩm chất tốt, ảnh hưởng lớn, sức khỏe, tâm huyết, trách nhiệm, là cầu nối đắc lực giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào vùng DTTS.
Tại Hội nghị, đã có 43 cá nhân tiêu biểu là Người có uy tín, trưởng các dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân vùng đồng DTTS được Chủ tịch UBND huyện Như Thanh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023.