Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thiết kế Việt tìm về truyền thống

PV - 12:38, 01/08/2021

Hiểu về truyền thống một cách thấu đáo trong mối quan hệ hài hòa với dòng chảy của thời đại, các nhà thiết kế có thể tìm thấy chất liệu, cảm hứng sáng tạo trong kho báu di sản đồ sộ của dân tộc, từ đó cho ra đời các sản phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống hiện nay, nhưng vẫn chuyển tải nét độc đáo của hồn cốt Việt.

Nhiều thiết kế lấy cảm hứng, chất liệu từ truyền thống Ảnh: ITN
Nhiều thiết kế lấy cảm hứng, chất liệu từ truyền thống Ảnh: ITN

Trong 5 - 10 năm trở lại, sự trỗi dậy của bản sắc văn hóa dân tộc đã thổi một luồng gió mới cho những người sáng tạo. Một số NTK đã biết đánh thức nét đẹp tiềm ẩn và khơi dậy cảm hứng từ những giá trị văn hóa đặc trưng. Chẳng hạn, NTK Minh Hạnh đưa nét đẹp thổ cẩm vào thiết kế của mình, gây ấn tượng mạnh mẽ khi được trình diễn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ) cũng như nhiều sàn diễn thời trang trên thế giới. Bà cho biết: “Tôi không thể lấy hết được chất liệu của 54 dân tộc nhưng những chất liệu và màu sắc đặc trưng nhất, phù hợp với khuynh hướng thời trang hiện nay nhất thì tôi đặt trong bộ trình diễn của mình”.

Thời trang lụa, thổ cẩm và hoa tại Chương trình trình diễn thời trang tơ lụa và thổ cẩm Nam Tây Nguyên
Thời trang lụa, thổ cẩm và hoa tại Chương trình trình diễn thời trang tơ lụa và thổ cẩm Nam Tây Nguyên (tại Đà Lạt, Lâm Đồng)

Hay như gần đây, dự án Hoa văn Đại Việt được khởi xướng bởi nhóm Đại Việt Cổ Phong đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng, với cách thể hiện chính là sử dụng vector để vẽ lại những hoa văn dân tộc, ứng dụng vào rất nhiều sản phẩm hàng ngày: Quần áo, giày dép, khăn thời trang... Tương tự, dự án Họa sắc Việt cũng được dư luận quan tâm. NTK đồ họa Trịnh Thu Trang, người sáng lập dự án chia sẻ: “Chúng tôi luôn rất chú trọng đến việc làm thế nào để các giá trị cổ truyền có cuộc sống mới và phù hợp với hiện tại. Để những điều xưa cũ trở nên mới mẻ, các sản phẩm ứng dụng được sáng tạo ra để mọi người có thể cảm nhận rõ hơn về tính ứng dụng của các họa tiết truyền thống”.

Chất liệu thổ cẩm trong thiết kế hiện đại.
Chất liệu thổ cẩm trong thiết kế hiện đại.

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình thiết kế sáng tạo những sản phẩm, đồ dùng hàng ngày mang giá trị thương hiệu Việt Nam, cuộc thi Designed by Vietnam 2021 vừa được Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTT&DL phối hợp cùng nhiều đối tác chuyên môn phát động. Với chủ đề Đánh thức truyền thống (Awakening Traditions), cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VNDW 2021, dự kiến diễn ra từ ngày 15- 21/11, tại Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. 

Cuộc thi được tổ chức dưới sự dẫn dắt của các NTK có tầm ảnh hưởng trong 5 lĩnh vực Thiết kế Truyền thông (Communication design), Thiết kế Đồ nội thất (Living design), Thiết kế Vật dụng trang trí (Decor & Object design), Thiết kế Trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design). “Chúng tôi đang mong chờ những thiết kế sống động và tươi trẻ của ngày hôm nay dựa trên sự tìm tòi có chọn lọc, sự tinh giản có ý tứ, sự cô đọng “có nghề” về hành trình tìm lại truyền thống dù bằng cách này hay cách khác, cá nhân hay đồng đội, để tạo ra được “mật mã truyền thống” của riêng mình bằng những bộ màu, chất liệu, hình dáng, chuyển động, âm thanh, dẫn dắt ý tưởng... cho những thiết kế truyền thông Created & Crafted in Vietnam, NTK Từ Phương Thảo, Giám đốc thiết kế Sadec District chia sẻ.

Thổ cẩm trong thiết kế truyền thống và hiện đại
Thổ cẩm trong thiết kế truyền thống và hiện đại

Trong đó, nói về hạng mục Thiết kế Đồ nội thất, bà Nguyễn Phan Thùy Dương, Chủ biên tạp chí ELLE Decoration Vietnam cho biết, kể từ thời điểm mà Covid-19 chạm ngõ nhân loại, có lẽ chưa bao giờ trên phạm vi toàn thế giới, quan niệm về không gian sống lại được tái định nghĩa và chiêm nghiệm nhiều đến thế. Thách thức của việc phải từ bỏ tự do đi lại khiến người ta quan tâm hơn đến việc tối ưu hóa diện tích mà mình sinh hoạt hằng ngày và phối hợp nó với những chức năng/nhiệm vụ tích hợp và cộng hưởng. Nếp sống ấy tưởng chừng mới mẻ nhưng nếu nhìn về truyền thống tổ chức cuộc sống và lao động của ông cha ta chỉ khoảng hơn 100 năm trước thì lại rất nhiều điểm tương đồng. Ngôi nhà không chỉ là nơi chở che lưu trú mà còn là địa điểm sản xuất, hội họp, là kho thực phẩm và cũng là nơi thờ phụng thần linh và tổ tiên... Mong rằng những điều đó sẽ được “đánh thức” trong cuộc thi năm nay.

Khi nghe từ “truyền thống”, chúng ta thường nghĩ đến những thứ thuộc về quá khứ - của một thời gian và không gian cố định nào đó, làm như vậy dễ dẫn đến nguy cơ bỏ qua tính liên tục, tính thích ứng và tính biến đổi vốn có của truyền thống. NTK Vũ Thảo, Giám đốc thiết kế tại Kilomet109, người dẫn dắt trong lĩnh vực Thiết kế trang phục của cuộc thi cho rằng: Mỗi thế hệ sẽ có một cách tiếp nhận, nuôi dưỡng truyền thống khác nhau, và cả bồi đắp thêm những địa tầng mới cho giá trị truyền thống. Với thiết kế, nếu được nhìn nhận một cách nghiêm túc với tinh thần tôn trọng lịch sử và tổ tiên nhưng vẫn mạnh dạn đổi mới, NTK sẽ giúp truyền thống được tiếp nối trong xã hội đương đại. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.