Đội tuyển Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã chuẩn bị 18 tác phẩm (cả chính thức và dự bị) để tham gia thi 3 giai đoạn (thanh nhạc, múa, nhạc cụ). Các tác phẩm được lựa chọn, dàn dựng với đội ngũ chuyên gia có uy tín và luyện tập kỹ thuật cao; trang phục được thiết kế công phu riêng cho từng tác phẩm; hình ảnh minh họa, phối khí, chuyển soạn, sáng tác được đầu tư tỷ mỉ, toàn diện… Ngoài ra, năm nay còn có hoạt động triển lãm với chủ đề “Quốc phòng Việt Nam - Truyền thống và hội nhập” sẽ trưng bày các hình ảnh tiêu biểu về dấu ấn Quốc phòng Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời quảng bá, tôn vinh nét đặc sắc về đất nước, con người, bản sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá truyền thống, văn hoá quân sự Việt Nam...
Nỗ lực, đoàn kết, không ngại khó khăn
Đó là khẳng định của Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Đội trưởng đội tuyển Văn hóa - Nghệ thuật QĐND Việt Nam về tinh thần tập luyện của đội tuyển trong thời gian trước khi lên đường đi Army Games.
Theo Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, có 3 giai đoạn hoạt động nghệ thuật và một giai đoạn hoạt động triển lãm, các thành viên đều khắc phục khó khăn để đề ra tiêu chí phấn đấu luyện tập theo những yêu cầu mà Ban tổ chức đặt ra trong quy chế. Chẳng hạn như ở hoạt động bảo tàng thì Ban tổ chức đưa ra 12 tiêu chí chấm điểm, đó là một điểm rất mới đối với công tác bảo tàng của quân đội.
“Chưa bao giờ các thành viên đội tuyển từng tham gia một cuộc thi quốc tế lại ở lĩnh vực hoạt động triển lãm như thế này. Vì vậy các, các thành viên luôn bám sát quy chế để lựa chọn hình ảnh, nội dung, hiện vật để làm sao đạt được 2 mục đích, đó là đáp ứng các tiêu chí của ban giám khảo và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, truyền thống, vị thế của Quân đội nhân dân trên trường quốc tế cũng như công tác đối ngoại của quân đội nước ta đối với các nước”, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh cho biết.
Khác với các kỳ trước chỉ tổ chức giao lưu văn hóa - nghệ thuật trong khuôn khổ hội thao thì đây là năm đầu tiên Hội thao quân sự quốc tế tổ chức cuộc thi cho “Đội quân văn hóa”.
Được biết năm nay dự kiến có 16 nước tham dự, trong đó có một số nước có tiềm năng rất lớn về nghệ thuật. Vì thế toàn đội đã xác định sẽ nỗ lực hơn, quyết tâm hơn để luyện tập nâng cao chất lượng thi đấu, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Nói về những thuận lợi của “Đội quân văn hóa” tham gia Army Games, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh cho biết: Thuận lợi đầu tiên là chúng tôi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, các cơ quan đơn vị có thành viên tham gia thi đấu; tập thể, cá nhân, thầy cô giáo, đội ngũ chuyên gia đã giúp đỡ, tạo điều kiện quan tâm cả về tinh thần và vật chất trong quá trình chuẩn bị xây dựng lực lượng và tổ chức luyện tập. Thuận lợi thứ hai, đó là các thành viên đội tuyển đã nhận thức rất cao trách nhiệm về màu cờ sắc áo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thuận lợi thứ ba tôi muốn nói đến chính là kinh nghiệm tham gia Army Games trong nhiều năm, để chúng tôi có được các đề xuất tham mưu tới các thủ trưởng các cấp để đảm bảo trang bị vật tư huấn luyện từ sớm, từ xa cho đội tuyển, đáp ứng yêu cầu huấn luyện cũng như chuẩn bị cho đội tuyển thi đấu được thuận lợi.
Là thành viên Đội tuyển Văn hóa - Nghệ thuật tham gia Army Games lần này, Trung úy QNCN Nguyễn Trà My chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, cá nhân tôi và các đồng đội đều hoàn thành xong công tác chuẩn bị cũng như luyện tập, sẵn sàng lên đường sang Nga tập luyện và tham dự Army Games. Chúng tôi sẽ quyết tâm thi đấu để đạt thành tích cao nhất tại cuộc thi năm nay”.
Đưa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và văn hoá Việt đến với thế giới
Bày tỏ cảm xúc khi tham gia Hội thao quân sự quốc tế lần này, NSND, Thượng tá Lữ Thị Kiều Lê, Chủ nhiệm Khoa múa, Huấn luyện viên đội tuyển múa cho biết: Đây là lần thứ 2 tôi vinh dự là biên đạo và huấn luyện viên múa cho “Đội quân văn hoá”. Tại Army Games năm 2019, tôi trực tiếp cùng đội tuyển sang Nga. Với tinh thần năng động sáng tạo, “Đội quân văn hóa” Việt Nam đã mang về 2 giải Nhất và một giải biên đạo Xuất sắc. Đặc biệt hơn nữa là đội Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Năm nay, tôi và các đồng chí được giao nhiệm vụ đều phải phát huy sự sáng tạo, từ việc lên kịch bản, tuyển chọn các nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật trong quân đội, sắp xếp thời gian luyện tập, lựa chọn và tư duy các tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật vừa phải phù hợp với tài năng của các nghệ sĩ chiến sĩ.
“Tôi nghĩ, thế mạnh của đội tuyển năm nay là sức trẻ, sức khỏe và sự quyết tâm cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt Army Games 2021. Tôi cho rằng, khi đến với cuộc hội ngộ văn hoá cũng như cuộc thi nghệ thuật nào thì cũng đều phải đặt hết tâm sức vào. Dù là cuộc giao lưu văn hoá nghệ thuật hay cuộc thi thì chúng ta cũng là đại diện cho văn hóa, nghệ thuật Việt Nam mang hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cũng như văn hoá Việt đến với thế giới. Tuy nhiên, mỗi năm, Ban tổ chức sẽ có những quy chế khác nhau, đó là cái hay của Army Games”, Thượng tá Lữ Thị Kiều Lê nhấn mạnh.
Kinh nghiệm nhiều năm là biên đạo, huấn luyện viên tham gia các cuộc thi lớn nhỏ trong và ngoài nước, Thượng tá Lữ Thị Kiều Lê thấy rằng, áp lực và khó khăn chính là động lực lớn nhất để chúng ta có thêm sức mạnh. Lợi thế của chúng ta là kỷ luật quân đội đã được rèn luyện theo năm tháng. Và lợi thế ở đây nữa là những người sáng tác, huấn luyện viên đều là các bậc thầy có kinh nghiệm lâu năm tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Các diễn viên đi thi đều là sinh viên của trường nên các thầy hiểu được ưu thế của học trò để phát huy tối đa sức mạnh và trí tuệ của người dự thi.
Là một nhà thiết kế trang phục cho các diễn viên, nghệ sĩ tham gia “Đội quân văn hóa” của Army Games, nhà thiết kế Vũ Lan Anh chia sẻ: Trang phục được thiết kế đậm chất nghệ thuật nhưng vẫn tôn vinh được giá trị văn hóa dân tộc. Khi được NSND Lữ Thị Kiều Lê tin tưởng giao nhiệm vụ thiết kế trang phục Army Games cho các diễn viên thì tôi cảm thấy rất vinh tự, giữa chúng tôi đã có sự phối hợp ăn ý trong cách nhìn nhận về trang phục biểu diễn của phụ nữ Việt Nam. NSND Lữ Thị Kiều Lê trao đổi ý tưởng của chị trong những tác phẩm múa để tôi nắm được và thiết kế ra những trang phục riêng cho mỗi tác phẩm của Đội. Chúng tôi cùng nhau đưa ra ý tưởng chung và tham gia các buổi tập, nghiên cứu các bài múa mà nghệ sĩ dàn dựng để có khái niệm hình dung sơ bộ cũng như nắm bắt được ý nghĩa chủ đạo của từng tác phẩm.
Tham gia Army Games với một tinh thần vững tin, quyết tâm, “Đội quân văn hóa” sẽ thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, sức mạnh đoàn kết của Quân đội Việt Nam trên đấu trường quốc tế./.