Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thiết kế trang phục dân tộc Miss Universe Vietnam 2022: Sân chơi cho các NTK trẻ tỏa sáng

PV - 15:50, 22/06/2022

Trên sàn diễn tại các cuộc thi sắc đẹp thế giới, phần thi trang phục dân tộc từ lâu trở thành nội dung quan trọng không thể thiếu. Đó không chỉ tôn vinh giá trị văn hoá của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc mà còn ghi dấu ấn cá nhân của các người đẹp đến từ khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam những năm qua, cuộc thi tuyển chọn trang phục dân tộc Miss Universe Vietnam đã trở thành sân chơi nghệ thuật cho các NTK trẻ toả sáng.

Tác phẩm Giao thời của NTK trẻ Nguyễn Công Tài
Tác phẩm Giao thời của NTK trẻ Nguyễn Công Tài

Nhằm góp phần đa dạng cho trang phục dân tộc tại các cuộc thi nhan sắc, ngoài những biểu tượng văn hóa truyền thống quen thuộc như Áo dài, áo Tứ thân, hình tượng chim lạc, trống đồng, thì sự xuất hiện của những bộ trang phục lễ hội “ẩm thực” đã làm cho nội dung này trở nên nhiều màu sắc. Việc tôn vinh nét đẹp văn hoá ẩm thực là một ý tưởng rất độc đáo, thế nhưng phải chăng các NTK trẻ đang dần đi theo lối mòn này, khiến các người đẹp Việt Nam tại đấu trường sắc đẹp thế giới đều trở nên “một màu”?.

Trong cuộc thi Miss Universe Vietnam 2022 năm nay, Ban tổ chức đã có ý tưởng đột phá khi mà sân chơi thiết kế trang phục dân tộc không còn nằm trong khuôn khổ các NTK chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp, mà đã mở rộng hơn để tiếp cận đến các sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Một bước đi táo bạo chưa từng có, bên cạnh những ưu điểm của format mới này thì đâu đó vẫn còn nhiều tranh cãi trái khiến dư luận lên tiếng. 

Linh Sơn của hai NTK Tô Phương Thủy và Nguyễn Dương Hồng Ngọc
Linh Sơn của hai NTK Tô Phương Thủy và Nguyễn Dương Hồng Ngọc

Ý tưởng sáng tạo trang phục dân tộc năm nay đến từ nhiều nguồn cảm hứng mới lạ, từ di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các món ăn quen thuộc của người Việt, các công trình kiến trúc và điêu khắc, các biểu tượng văn hoá, nhân vật lịch sử, hay nghệ thuật khảm sành sứ của Cố đô Huế... Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu ý tưởng nhất là nghiên cứu về văn hoá - lịch sử của các NTK trẻ còn khá non nớt, các vấn đề về tâm linh chưa được tìm hiểu và chuyển tải đúng đắn, kiến thức về văn hoá còn hạn chế. Chưa kể có rất nhiều bộ trang phục xử lý cồng kềnh, sơ sài, chất liệu kém sang, thậm chí nhiều bộ chỉ mang tính chất “mua vui” trên sân khấu, chưa đạt được chiều sâu trong nghiên cứu văn hoá và nghệ thuật Việt Nam.

Tác phẩm Chiến thần Lạc Việt của Lương Đức Minh
Tác phẩm Chiến thần Lạc Việt của Lương Đức Minh

Với chủ đề “Vinawoman - Bản lĩnh Việt Nam”, khán giả cuộc thi Miss Universe Vietnam 2022 luôn mong đợi những bộ quốc phục thể hiện rõ tinh thần sắt thép, ý chí kiên cường của người phụ nữ Việt Nam vươn ra thế giới. Một số NTK trẻ đã làm rất tốt những ý nghĩa cao đẹp này. Tác phẩm Linh Sơn của hai NTK Tô Phương Thủy và Nguyễn Dương Hồng Ngọc đã mang đến một Việt Nam hiện đại, luôn đổi mới và phát triển không ngừng. Từ hình ảnh núi Bà Đen với tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á và công trình Ga cáp treo lớn nhất thế giới, được mặc lấy bởi người phụ nữ Việt Nam đôn hậu. Dễ dàng nhìn thấy trên bộ trang phục này là niềm tự hào tôn giáo, sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, một dân tộc Việt Nam “mình đồng da sắt” qua tông màu trắng bạc mang đậm hơi thở của tương lai, sẵn sàng sánh vai cùng với các cường quốc năm châu.   

Tác phẩm Chiến thần Lạc Việt từ NTK Lương Đức Minh tuy ý tưởng chưa đủ mới lạ, kể về một Việt Nam thuở sơ khai thời đại đồ đồng, nhưng cách xử lý và chuyển tải ý tưởng lên trang phục lại độc đáo, hiện đại từng chi tiết, toát lên tinh thần của một nữ chiến binh Vinawoman.

Tác phẩm Nước Việt của NTK Phạm Trọng Hiếu
Tác phẩm Nước Việt của NTK Phạm Trọng Hiếu

Nước Việt của NTK Phạm Trọng Hiếu lấy cảm hứng từ non sông gấm vóc Việt Nam, chuyển tải mềm mại lên trang phục với hình ảnh cô hoạ sĩ cầm cọ tái hiện giang sơn hồn thiêng sông núi. Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam toát lên khí chất của nữ anh hùng khi đứng trước non nước thanh bình, niềm tự hào dân tộc được tô vẽ qua màu sắc sinh động về một Việt Nam tươi sáng…

Một trong những bộ trang phục có ý tưởng bám sát chủ đề nhất có lẽ là Chị Sáu của NTK Nguyễn Hoàng Gia, nhưng sản phẩm trình diễn lại không đạt được vẻ đẹp, tinh thần giống như bản vẽ ban đầu. Kỹ thuật thể hiện thành phẩm còn hạn chế trên bộ trang phục này, trong khi trên bản vẽ là chiếc áo dài trắng tinh tuyền và đính kết lông vũ tinh xảo, thì trên mẫu thật lại là chiếc áo bà ba với chất liệu sequin đơn giản và kỹ thuật may còn vụng về. Tuy nhiên, công bằng mà nói, ý tưởng sáng tạo cho tác phẩm này thực sự đáng ghi nhận.

Ngược lại, kế thừa từ những thiết kế trang phục dân tộc trước đó, các ý tưởng về văn hoá ẩm thực Việt Nam dường như trở nên nhàm chán, các món ăn truyền thống được đưa lên trang phục một cách khó hiểu như gỏi cuốn, bánh tráng hay bánh tráng trộn. Khán giả rất khó nhận ra một Vinawoman trong các thiết kế này, thậm chí việc cuốn chiếu lên người phản ánh một phong tục và ý nghĩa tâm linh của người Việt khi mai táng người chết. Nếu đặt trong nhãn quan thẩm mỹ, các thiết kế kể trên đều đạt giá trị nghệ thuật rất cao, nhưng khi đặt nó cạnh bên nội dung chủ đề của cuộc thi thì yếu tố bản lĩnh Việt Nam còn rất yếu, tính liên kết chưa chặt chẽ.

Khi thiết kế trang phục dân tộc, người làm sáng tạo cần bám sát bốn yếu tố: Tính biểu trưng văn hoá, tính biểu diễn (bao gồm tính khả thi), tính hiện đại, và tính thời trang. Nhìn lại sự lựa chọn Top 10 trang phục dân tộc Miss Universe Vietnam 2022, khán giả không khỏi tiếc nuối vì còn nhiều tác phẩm khác có đầy đủ khả năng được gọi tên vào top. Tựu trung, cuộc thi thiết kế quốc phục năm nay đã đem lại nhiều hiệu ứng tốt đẹp, tuy còn nhiều hạn chế nhưng các NTK trẻ đã thể hiện sự sáng tạo vượt ra khỏi cảnh giới an toàn. Tinh thần của một Vinawoman bản lĩnh cũng được thể hiện độc đáo ở một số thiết kế nổi bật xuyên suốt chặng đường cuộc thi, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi một Việt Nam kiên cường hơn trên các thiết kế trang phục dân tộc trong tương lai./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.