Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn trang phục dân tộc Thổ trước nguy cơ mai một

Quỳnh Trâm - 17:24, 18/04/2022

Trang phục truyền thống chứa đựng giá trị văn hóa, tâm linh, tạo ra bản sắc văn hóa của một dân tộc. Tại Thanh Hóa, việc bảo tồn và phát huy các giá trị trang phục truyền thống của người Thổ ở huyện Như Xuân đang được những người làm công tác văn hóa và chính đồng bào quan tâm sâu sắc.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Thổ ở Thanh Hóa trong ngày hội
Trang phục của phụ nữ dân tộc Thổ ở Thanh Hóa trong ngày hội

Trang phục chứa đựng chiều sâu văn hóa

Đồng bào dân tộc Thổ ở Như Xuân (Thanh Hoá) sinh sống xen cư với người Kinh, Mường, Thái. Người Thổ có ngôn ngữ và trang phục khác biệt với các dân tộc khác. Trang phục phụ nữ dân tộc Thổ gồm: Váy, áo, yếm, khăn lưng, khăn và các đồ trang sức.

Trang phục của đồng bào Thổ ở xứ Thanh
Trang phục của đồng bào Thổ ở xứ Thanh

Váy có hai lớp, lớp ngoài được họa tiết thổ cẩm và lớp lót phía trong. Váy hình ống, được kết dọc từ ba khổ vải dệt cùng họa tiết. Đặc biệt, váy của người phụ nữ Thổ thường ngắn, chỉ mặc từ thắt lưng đến quá đầu gối, không dài như váy của người Mường, Thái. Áo dài họ thường mặc khi tham gia hội hè, đình đám, giống như áo của phụ nữ vùng Kinh Bắc.

Với đàn ông, ngày lễ thường mặc áo dài năm thân, nhuộm màu nâu đỏ, quần loe trắng vấn cạp hoặc cạp luồn dây rút, đầu đội khăn xếp.

Ngày nay, chỉ trong những ngày lễ, tết, hội phụ nữ dân tộc Thổ mới mặc trang phục truyền thống. Còn nam giới thì hoàn toàn mặc như người Kinh trong ngày thường cũng như hội, lễ.

Tại huyện Như Xuân, dân tộc Thổ chiếm hơn 14% dân số, phân bổ ở các xã Yên Lễ (nay là thị trấn Yên Cát), Cán Khê, Cát Vân, Thượng Ninh, Xuân Bình, Hóa Quỳ… Hiện nay, quá trình hoà nhập, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ, thế hệ trẻ người Thổ cũng tiếp nhận và hưởng ứng các làn sóng văn hoá hiện đại và đa dạng. 

Do đó, trang phục truyền thống người Thổ chỉ còn những người già sử dụng hàng ngày, hoặc sử dụng trong dịp lễ, tết. Đáng lo ngại hơn, không còn nhiều phụ nữ người Thổ biết dệt vải, thêu thùa, làm váy áo truyền thống của dân tộc Thổ.

Việc tổ chức lớp tập huấn thêu dệt thổ cẩm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Như Xuân
Việc tổ chức lớp tập huấn thêu dệt thổ cẩm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Như Xuân

Nổ lực bảo tồn

Ông Lê Ngọc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Như Xuân cho biết: Để giữ gìn và bảo tồn văn hoá truyền thống người Thổ, thời gian qua, huyện Như Xuân đang nỗ lực lưu giữ, phát triển, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nghệ thuật dệt, thêu thùa của đồng bào DTTS, trong đó có dân tộc Thổ nhằm phục vụ khách du lịch.

Đặc biệt, trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc được gắn liền với mô hình phát triển du lịch cộng đồng của huyện.

Theo đó, hiện nay, huyện Như Xuân đang chỉ đạo, sát cánh cùng bà con xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại thôn Tân Hùng, xã Thanh Phong; khu vực đền Chín Gian xã Thanh Quân; thôn Thanh Bình, xã Tân Bình, thành lập hợp tác xã xây dựng các sản phẩm về du lịch.

Theo ông Dũng, trang phục các DTTS trên địa bàn huyện, là một trong những sản phẩm du lịch được khuyến khích bà con làm ra, hi vọng mở ra hướng tạo thêm thu nhập cho người dân. Do vậy, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng phối hợp với huyện tổ chức lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến nghề thủ công, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Thổ, huyện Như Xuân.

Việc tổ chức lớp tập huấn thêu dệt thổ cẩm nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung, đồng bào dân tộc Thổ nói riêng đang dần bị mai một. Đồng thời, đây cũng là dịp mỗi học viên được tiếp cận, giao lưu, học hỏi những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.