Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp này, chúng ta bàn việc thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát dịch bệnh. Việc lãnh đạo, chỉ đạo là phải tập trung thống nhất, xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương. Rút kinh nghiệm vừa qua, sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, tập trung nhưng cách làm mỗi nơi một kiểu. Ngay trong một địa phương, tỉnh chỉ đạo một kiểu, huyện làm một kiểu, các xã cũng không giống nhau.
Có tình trạng lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất chuyên sâu, nhưng tổ chức thực hiện chưa linh hoạt, chưa phù hợp tình hình. Sự phối hợp giữa T.Ư, các bộ, ngành chưa nhịp nhàng. Công cuộc phòng chống dịch liên quan các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, đối ngoại, giao thương hàng hóa, liên quan công việc của cả đất nước, đòi hỏi phối hợp chặt chẽ, hiệu quả mới chống dịch thành công. Phải linh hoạt trong từng điều kiện, hoàn cảnh của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trên cơ sở thành quả đạt được thời gian qua, cần nghiên cứu giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả như thế nào. Việc góp ý các biện pháp cũng là vấn đề quan trọng. Chúng ta không thể chần chừ vì thời gian có hạn, yêu cầu cao, công việc nhiều, năng lực có hạn. Việc chống dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa mở rộng dần. Chúng ta cũng có lúc bị động, lúng túng vì biến chủng Delta nguy hiểm. Điều quan trọng là chúng ta kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung. Việc mở cửa, nới lỏng giãn cách phải thận trọng từng bước.
Vừa qua chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm như đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, rồi đợt ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tạo ra đợt dịch lần thứ 4, đánh vào khu đông người, trung tâm sản xuất lớn. Hiện nay, độ bao phủ vaccine chưa nhiều, do đó phải kêu gọi nhân dân vào cuộc, chấp hành nghiêm các quy định. Tăng cường sự giám sát của các cơ quan chức năng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, huy động sự vào cuộc của nhân dân thì mới thực hiện được công cuộc phòng, chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Thủ tướng nhắc nhở, vừa qua, ở một số địa phương, đêm trung thu, người dân đổ ra đường quá đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Cần rút kinh nghiệm vấn đề này. Cần đưa ra giải pháp thích ứng an toàn, xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương.
Thủ tướng mong các đại biểu tập trung trí tuệ, công sức, đưa ra được các giải pháp xuyên suốt, tập trung, hiệu quả với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, có sơ kết, tổng kết để làm tốt. Diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, cho nên chúng ta đưa ra những biện pháp gì trên cơ sở nắm chắc các thông tin. Chúng ta phải luôn nhắc nhở vì vẫn còn tình trạng chủ quan khi chưa có dịch bùng phát.
Bộ Y tế cho biết, trong tuần, cả nước đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 3,9 triệu lượt người. So với tuần trước, số lượt người được xét nghiệm giảm 20,2%. Việc xét nghiệm thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc gộp mẫu. Tỷ lệ xét nghiệm/1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 109/223 trên thế giới. So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng của cả nước giảm từ 1,6% xuống còn 1,4%. Số lượng vaccine đã phân bổ là hơn 50,2 triệu liều và đã thực hiện tiêm được hơn 35,1 triệu liều, trong đó có khoảng 21,8 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 6,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Đến 22/9, số ca khỏi bệnh là 484.445 người (68%); số ca đang theo dõi là 340.899, trong đó điều trị tại bệnh viện 104.962 (30,8%), tại khu cách ly tập trung là 134.146 (chiếm 39,4%), điều trị tại nhà là 101.791 (29,8%). Số ca bệnh nặng, nguy kịch 8.894, giảm 12,3% so với tuần trước đó.
Bộ Y tế đã xây dựng “Hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch Covid-19” trên cơ sở tham khảo tài liệu, kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện “mở cửa”, đồng thời thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học. Hướng dẫn bao gồm các chỉ số để đánh giá và các biện pháp thực hiện theo các cấp độ nguy cơ; theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp khi triển khai tại cấp xã, phường, thị trấn; bám sát việc triển khai theo hệ thống chính trị để có sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Đối với việc bảo đảm an sinh xã hội, đến ngày 20/9, xuất cấp gần 59.000 tấn trên tổng số 134.000 tấn gạo cho các địa phương; hỗ trợ gần 17,6 triệu người (gần 17,2 triệu người lao động và gần 379.000 người sử dụng lao động) được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68/NQ-CP với kinh phí khoảng 13,9 tỷ đồng, trong đó 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội chiếm 73,9% về đối tượng hỗ trợ. Riêng TP. Hồ Chí Minh đã chi khoảng 6.000 tỷ đồng hỗ trợ khoảng 4,9 triệu đối tượng. Các cấp công đoàn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.500 tỷ đồng (tăng gần 200 tỷ đồng so với tuần trước đó).
Tính riêng từ ngày 18 đến 20/9, lực lượng quân đội đã cấp thuốc điều trị cho gần 40.000 người, cấp cứu gần 4000 ca, lấy mẫu xét nghiệm cho gần 160.000 người, tiêm vaccine cho gần 75.000 người, tư vấn sức khỏe cho gần 55.000 người; sử dụng 65 chuyến xe tải, vận chuyển 239 tấn lương thực thực phẩm, hàng nông sản hỗ trợ nhân dân các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch./.