Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp Hàn Quốc với Việt Nam trong phòng chống dịch, nhất là đã ủng hộ trực tiếp vào Quỹ vaccine, viện trợ vaccine và trang thiết bị, vật tư y tế. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng khẳng định, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam.
Nhắc lại câu tục ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh đây chỉ là những khó khăn nhất thời, còn thuận lợi vẫn là cơ bản. Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và cách đây 5 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đại sứ và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao việc Chính phủ tổ chức cuộc đối thoại quan trọng hôm nay. Chia sẻ với những khó khăn về dịch bệnh mà Việt Nam đang phải trải qua, nhiều doanh nghiệp đồng tình với nhận định việc phòng chống dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, vừa làm vừa điều chỉnh và phải có những biện pháp phù hợp với tình hình; đánh giá các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa của Chính phủ Việt Nam đang thực hiện là cơ bản phù hợp và đúng hướng; tin tưởng chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua được đợt bùng phát dịch hiện nay, như đã thực hiện thành công tại một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề nghị việc tổ chức thực hiện tại các địa phương cần thống nhất, linh hoạt, hiệu quả và thông suốt hơn, đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc trong duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, sản xuất an toàn; cấp phép lao động và nhập cảnh cho các chuyên gia; tiêm vaccine; các chính sách ưu đãi về thuế, phí…
Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, hiệu quả và không né tránh, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp, làm rõ nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể của doanh nghiệp. Trong đó, một số nội dung đã được đề cập trong Nghị quyết 105 mới được Chính phủ ban hành, hiện các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương cụ thể hóa để chủ động thực hiện hiệu quả hơn.
Vừa qua, một số địa phương đã ban hành những chính sách chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa nghiên cứu kỹ, chưa chuẩn bị truyền thông đầy đủ, gây bức xúc cho nhân dân và các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các địa phương này rút kinh nghiệm và điều chỉnh ngay. Đồng thời yêu cầu tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc; tuyệt đối không ban hành các giấy phép con cản trở lưu thông hàng hóa; trao đổi, động viên, hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh phù hợp với tình thế bất thường do dịch bệnh trên tinh thần sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đại dịch là vấn đề toàn cầu cho nên cần cách tiếp cận toàn cầu, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác phải chống dịch COVID-19. Do đó, muốn có an toàn thì phải có sự cộng tác chung tay, phối hợp của tất cả các bên, gồm chính quyền, doanh nghiệp, người lao động, người dân. Ngay tại cuộc họp, qua hệ thống hội nghị trực tuyến, Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo, làm rõ về các biện pháp đang tiến hành và kết quả phòng chống dịch, yêu cầu các địa phương khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để sớm kiểm soát dịch bệnh.
Trước đề xuất của một số doanh nghiệp về vaccine, Thủ tướng khẳng định lại việc tiêm miễn phí vaccine cho toàn dân, trong đó đã có chỉ đạo cụ thể về thiết lập đầu mối liên lạc và tiêm vaccine cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị Đại sứ và các doanh nghiệp tiếp tục có tiếng nói với Chính phủ Hàn Quốc và các đối tác, hỗ trợ vaccine cho Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là trong tháng 9, tháng 10 này và hợp tác chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.
Về đề nghị giảm thời gian cách ly của người nhập cảnh sau khi đã tiêm đủ số mũi vaccine theo quy định, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế phối hợp nghiên cứu trên cơ sở khoa học, thực tiễn để điều chỉnh theo hướng thích ứng, phù hợp với điều kiện mới…
Thủ tướng đề nghị Đại sứ và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tiếp tục ủng hộ và góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực; sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD, duy trì Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam; quan tâm tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam, đẩy mạnh nâng cao tay nghề người lao động và đào tạo nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế và kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh trong mọi hoàn cảnh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Nhấn mạnh quan điểm lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao trước các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để củng cố niềm tin, phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, hướng tới tương lai.
Đại sứ và các doanh nghiệp Hàn Quốc cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương; đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; khẳng định quyết tâm cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh để tiếp tục thúc đẩy, phát triển hơn nữa hoạt động đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam./.