Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo
Với niềm đam mê về thực vật, hai học sinh Trang Sĩ Thái và Nguyễn Trần Thanh Ngân, lớp 11B, Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã sáng tạo ra phần mềm nhận diện và cung cấp thông tin khoa học của thực vật, tên tiếng Anh là The Plantae. Sản phẩm này đoạt giải Ba trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, do Bộ GD&ĐT tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 3/2021.
Hiện nay, The Plantae trên Android đã đạt hơn 4.000 người cài đặt và sử dụng. Phần mềm hỗ trợ người dùng nhận biết hơn 12.000 loài dược thảo, thực vật và cung cấp thêm nhiều thông tin cho người dùng về loài thực vật đó như: tìm kiếm tên thực vật, tìm kiếm hướng dẫn chữa một số loại bệnh...góp phần hỗ trợ người dùng sử dụng tiện dụng và hữu ích hơn.
Đây chỉ là 1 trong số những dự án mang tính chất ứng dụng thực tế rất cao bước ra khỏi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Các dự án tham gia cuộc thi thể hiện sự quan tâm khá đa dạng trong nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội của học sinh, thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm của học sinh trước những vấn đề của đời sống, xã hội.
Có thể thấy, cuộc thi như một sân chơi khuyến khích học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, tiếp tục khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho các em. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới cách dạy, cách học; thực hiện tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ngay từ chương trình hiện hành, hướng tới phát triển, phẩm chất năng lực cho học sinh…
Còn đó nhiều băn khoăn
Bên cạnh hiệu quả tích cực của cuộc thi, cũng đã xuất hiện những băn khoăn khi một sân chơi đang có dấu hiệu đi quá xa. Năm học 2020 – 2021, có 91 dự án đoạt giải trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất.
Đáng nói, đề tài tương tự: “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật (học sinh lớp 12A và 12G Trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình) đã giành giải Nhất khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình năm 2019.
Một số dự án được đặt câu hỏi, có quá sức với học sinh cấp III, như đề tài "Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số loài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vữa động mạch" của nhóm học sinh ở Hải Phòng.
Thế nhưng, khi mà việc giảng dạy các môn sinh học, hóa học trong trường phổ thông còn nặng tính lý thuyết, chuyện nghiên cứu những vấn đề lớn như vậy, theo một số giáo viên là khó thể xảy ra.
Đây cũng không phải lần đầu cuộc thi này vướng phải những nghi vấn, trước đó vào năm 2019, sau khi cuộc thi kết thúc 5/15 giải nhất, 10 giải nhì và 4 giải ba có giải pháp, kết quả trùng lặp với các sản phẩm, nghiên cứu trước, không có sự cải tiến, đột phá riêng (thể hiện rất rõ trên poster). Các giải này cũng bị phụ huynh yêu cầu Bộ GD&ĐT vào cuộc thẩm định lại.
Cần tôn trọng ý nghĩa tốt đẹp của cuộc thi
Thực tế, một số trường, giáo viên và cả phụ huynh học sinh đã đổ nhiều công sức, tiền bạc vào cuộc thi này. Đặc biệt, Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng sư phạm cũng có quy định học sinh trung học phổ thông đoạt giải Nhất, Nhì, Ba của cuộc thi này được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng.
Nhưng nếu tác phẩm của học sinh, nhưng thực sự đứng sau là một ê kíp, chạy theo thành tích... thì ý nghĩa tốt đẹp của cuộc thi ban đầu đã không còn.
Ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho rằng, nhiều đề tài, dự án không có khả năng ứng dụng, sản xuất ra thị trường. Học sinh trung học chưa đủ độ chín về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo, không có điều kiện và thời gian sáng tạo, nghiên cứu khoa học kĩ thuật một cách bài bản, chuyên nghiệp. Vì vậy, cuộc thi tất yếu sẽ sinh ra đối phó, “luồn lách” và đủ hình thức khác nhau để có sản phẩm, có giải.
Nếu kết quả cuộc thi không thực chất có thể tạo ra sự thiếu công bằng đối với các thí sinh khác, tước đi cơ hội của những người xứng đáng. Nếu thành tích ảo, thiếu trung thực trong các cuộc thi năng khiếu, sẽ ảnh hưởng cả phần tâm lý và tác động đến sự phát triển nhân cách của các em chứ không chỉ dừng lại ở giải thưởng và quyền lợi.
Chuyên gia giáo dục-TS. Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng, để nâng cao chất lượng giải thưởng và có được niềm tin của công chúng, đơn vị tổ chức cần minh bạch hóa quá trình xét giải. Thay vì đánh giá kết quả cuối cùng, ban tổ chức cần kiểm soát kỹ hơn quá trình thực hiện nghiên cứu; đặc biệt là vai trò, mức độ tham gia, nhiệm vụ cụ thể của học sinh. Đã đến lúc chúng ta phải có một cái nhìn công bằng,minh bạch cho một sân chơi giáo dục. Bởi đích đến của cuộc thi khoa học kỹ thuật không chỉ là giải thưởng?