Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thế giới vượt 30 triệu ca mắc Covid-19

PV - 15:19, 17/09/2020

Theo số liệu cập nhật của Worldometers đến 8 giờ sáng 17-9 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 30 triệu, lên tới 30.025.607 ca mắc và 944.707 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất thế giới với gần 98 nghìn ca.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Yogyakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Yogyakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cụ thể, trong một ngày qua, thế giới ghi nhận thêm 307.465 ca mắc và 6.220 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, Ấn Độ ghi nhận 97.859 ca mắc và 1.139 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 5.115.893 ca mắc và 83.230 ca tử vong do Covid-19.

Theo sau về số ca mắc mới trong một ngày là Mỹ với 40.154 ca mắc và 1.151 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 6.828.301 ca mắc và 201.348 ca tử vong do Covid-19.

Đứng thứ ba là Brazil với 37.387 ca mắc và 967 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 4.421.686 ca mắc và 134.174 ca tử vong.

Cũng theo số liệu của Worldometers đến 8 giờ sáng (giờ Việt Nam) thế giới có 21.797.918 bệnh nhân đã hồi phục, 7.287.870 ca bệnh đang điều trị, với 61.223 ca bệnh trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch.

Tại khu vực châu Á, Ấn Độ hiện là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Số ca mắc bệnh tại Ấn Độ tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động và tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày hiện ở mức cao nhất trên thế giới. Hiện cứ sáu ca mắc bệnh Covid-19 trên thế giới thì có một ca ở Ấn Độ.

Tình trạng này đã gây áp lực cho các bệnh viện trong việc tìm nguồn cung cấp oxy hỗ trợ điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân nguy kịch. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, ít nhất 6% trong tổng số gần một triệu ca mắc Covid-19 đang điều trị ở nước này cần oxy khẩn cấp.

Tại Trung Quốc, do xuất hiện hai ca mắc Covid-19 du nhập từ Myanmar, thành phố Thụy Lệ, thuộc tỉnh Vân Nam mới đây đã cấm người dân rời thành phố trừ các lý do đặc biệt như chữa bệnh, đi học, người rời thành phố cần có chứng minh xét nghiệm axit nucleic và giấy cho phép do ban chỉ huy phòng chống dịch thành phố cấp.

Tại khu vực Trung Đông, với hơn 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong những ngày gần đây, Israel tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước từ ngày 17-9, sớm hơn một ngày so với kế hoạch theo lệnh phong tỏa toàn quốc.

Theo đó, hầu hết các cửa hàng, những địa điểm văn hóa, giải trí và du lịch sẽ phải đóng cửa. Sân bay quốc tế Ben Gurion sẽ vẫn mở cửa dưới hình thức hạn chế khi chỉ có các chuyến bay được phê duyệt mới được khai thác.

Tại châu Âu, Ukraine ngày 16-9 ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong theo ngày cao nhất từ trước tới nay, với 76 ca cùng 2.958 ca mắc mới.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ukraine đã cấm hơn 1.000 người hành hương Do Thái thuộc phái Hasidic, trong đó có cả trẻ em, nhập cảnh nước này, khiến đoàn người trên bị mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Ukraine và Belarus. Lực lượng chức năng cho biết những người hành hương này sẽ được cung cấp lương thực, thuốc men và lều trại.

Chính phủ Hy Lạp thông báo tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch Covid-19 tại vùng Attica, vốn đang là tâm dịch tại nước này.

Trong khi đó, tờ Evening Standard số ra ngày 16-9 dẫn nguồn tin từ giới chức y tế Anh cho biết, Thủ đô London của nước này có thể áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch Covid-19.

Tại khu vực châu Mỹ, Canada không loại trừ nguy cơ nước này đã bước vào làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai khi trong bảy ngày gần đây, số ca nhiễm mới trung bình đã vọt lên 838 người. Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến theo xu hướng phức tạp, Mỹ và Canada có thể sẽ kéo dài lệnh đóng cửa biên giới giữa hai nước tới ít nhất là cuối tháng 11 năm nay.

Về việc phát triển vắc-xin, quá trình thử nghiệm vắc-xin của AstraZeneca được nối lại tại nhiều nước như Nam Phi, Brazil, Ấn Độ, sau khi bị tạm hoãn do xảy ra một số sự cố.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan về vắc-xin ngừa Covid-19 khi tuyên bố Mỹ có thể có vắc-xin trong chưa đầy một tháng nữa.

Trong một cuộc họp trực tuyến của Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO), Giám đốc cơ quan này Carissa Etienne đã hối thúc các nước Mỹ Latinh tiếp tục triển khai các hành động kiềm chế dịch Covid-19 trong bối cảnh bắt đầu nối lại các sinh hoạt xã hội và hoạt động công.

Lãnh đạo chi nhánh châu lục của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo những diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp tại Mỹ Latinh, như việc số ca nhiễm tăng gấp 10 lần trong hai tuần qua tại dọc biên giới Venezuela – Colombia hay tỷ lệ tử vong gia tăng ở một số khu vực tại Mexico, Argentina, Bolivia, Costa Rica và Ecuador.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Philippines tiếp tục là hai quốc gia ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong ngày cao nhất khu vực. Trong đó, Indonesia ghi nhận thêm 3.963 ca mắc và 135 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 228.993 ca mắc và 9.100 ca tử vong.

Philippines ghi nhận thêm 3.550 ca mắc và 69 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 272.934 ca mắc và 4.732 ca tử vong.

Việt Nam, Brunei, Campuchia, Timor-Leste và Lào là những nước trong khu vực không có thêm ca bệnh Covid-19 nào trong ngày 16-9.

Trang mạng Arab News ngày 16-9 dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 đạt đỉnh sớm hơn dự kiến ở nhiều nước châu Phi, trái với những dự đoán trước đó.

Các nhà khoa học hiện chưa rõ lý do đằng sau hiện tượng vừa đề cập, nhưng có một giả thuyết cho rằng người dân ở một số quốc gia châu Phi đã tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm khác trong quá khứ và hiện tượng này đã tạo ra “khả năng miễn dịch từ trước để chống lại Covid-19”.

Theo Giáo sư Francesco Checchi - chuyên gia dịch tễ học của trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), virus SARS-CoV-2 “trên thực tế” không hoạt động theo những cách được dự đoán ở các nước châu Phi, bao gồm Sudan, Somalia, Kenya và Tanzania.

Dưới đây là thống kê cụ thể về số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới theo Worldometers, tính đến 8 giờ, sáng 17-9 (giờ Việt Nam).

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

  1. Mỹ: 6.828.301 ca mắc, 201.348 ca tử vong
  2. Ấn Độ: 5.115.893 ca mắc, 83.230 ca tử vong
  3. Brazil: 4.421.686 ca mắc, 134.174 ca tử vong
  4. Nga: 1.079.519 ca mắc, 18.917 ca tử vong
  5. Peru: 744.400 ca mắc, 31.051 ca tử vong
  6. Colombia: 736.377 ca mắc, 23.478 ca tử vong
  7. Mexico: 676.487 ca mắc, 71.678 ca tử vong
  8. Nam Phi: 653.444 ca mắc, 15.705 ca tử vong
  9. Tây Ban Nha: 614.360 ca mắc, 30.243 ca tử vong
  10. Argentina: 589.012 ca mắc, 12.116 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á:

  1. Philippines: 272.934 ca mắc, 4.732 ca tử vong
  2. Indonesia: 228.993 ca mắc, 9.100 ca tử vong
  3. Singapore: 57.514 ca mắc, 27 ca tử vong
  4. Malaysia: 10.031 ca mắc, 128 ca tử vong
  5. Myanmar: 3.821 ca mắc, 40 ca tử vong
  6. Thái Lan: 3.490 ca mắc, 58 ca tử vong
  7. Việt Nam: 1.063 ca mắc, 35 ca tử vong
  8. Campuchia: 275 ca mắc
  9. Brunei: 145 ca mắc, 03 ca tử vong
  10. Timor-Leste: 27 ca mắc
  11. Lào: 23 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

  1. Châu Á: 8.971.009 ca mắc, 169.887 ca tử vong
  2. Bắc Mỹ: 8.132.806 ca mắc, 293.755 tử vong
  3. Nam Mỹ: 7.291.714 ca mắc, 232.651 ca tử vong
  4. Châu Âu: 4.218.962 ca mắc, 214.235 ca tử vong
  5. Châu Phi: 1.380.141 ca mắc, 33.305 ca tử vong
  6. Châu Đại Dương: 30.254 ca mắc, 859 ca tử vong 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.