Mạng xã hội lên ngôi
TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) khẳng định: Trong bối cảnh “số hóa” như hiện nay, tuyển sinh trực tuyến là xu thế bắt buộc và là giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch Covid-19. Ngoài việc sử dụng website, các trường còn tận dụng triệt để tính năng Facebook, Tik Tok... để tổ chức tư vấn tuyển sinh.
“Trên Facebook, chúng tôi có thể xác định cụ thể đến từng đối tượng tuyển sinh và các em ở vùng nào. Chúng tôi cũng chủ động kiểm soát chất lượng của một buổi livestream về tư vấn tuyển sinh hoặc một bài viết về nội dung này. Đơn giản nhất là kiểm soát được bao nhiêu người tiếp cận thông tin, bao nhiêu người đã click vào đường link và lượng người đã tương tác....” – TS Lê Xuân Thành dẫn giải và cho biết thêm: Nhà trường đã tổ chức 9 series livestream về tư vấn tuyển sinh. Tới đây sẽ tổ chức riêng 1 livestream về nhà trường. Ngoài ra, việc tiếp nhận hồ sơ, kết quả học bạ của thí sinh cũng thực hiện trực tuyến. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho thí sinh.
Vì thế, các em có thể nộp hồ sơ online, không nhất thiết phải đến trường. Khi có kết quả trúng tuyển, các em đến làm thủ tục xác nhận nhập học. Tức là các em chỉ cần đến trường một lần duy nhất, thay vì nhiều lần như trước đây” – TS Lê Xuân Thành chia sẻ.
TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Giới & Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ: Năm 2020, học viện tăng cường tuyển sinh trên hệ thống website, mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo. Nắm được thị hiếu của giới trẻ hiện nay, học viện đã tạo kênh Tik Tok, tổ chức livestream trên Facebook, nhằm hỗ trợ phụ huynh, HS về các thông tin tuyển sinh mới nhất.
Ngoài ra, học viện triển khai hình thức đăng ký xét tuyển online và nhận phản hồi trực tuyến. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, đem lại sự công bằng cho tất cả thí sinh trên mọi vùng miền.
“Năm 2020, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh 900 chỉ tiêu thuộc 9 ngành đào tạo trình độ ĐH. Ngoài phương án xét điểm thi tốt nghiệp THPT, học viện còn xét tuyển thẳng và xét học bạ của thí sinh. Các hình thức xét tuyển đều được thực hiện online” - TS Dương Kim Anh cho hay.
Cần tận dụng lợi ích của thời đại số
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Sau khi nhận kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và 2, thí sinh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong việc chọn trường, ngành đào tạo để học tiếp. Do đó, đây là thời điểm quan trọng đối với các trường ĐH.
Đối với giáo dục ĐH, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để làm nên thương hiệu, uy tín là chất lượng đào tạo (trong đó bao gồm việc đổi mới cả về nội dung và phương pháp đào tạo). Điều này góp phần vào thành công trong công tác tuyển sinh của nhà trường. Thực tế, các bậc phụ huynh và HS rất quan tâm đến tỷ lệ SV có việc làm sau khi ra trường, đây chính là thước đo chất lượng đào tạo và sự đáp ứng với nhu cầu xã hội.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, trước đây chỉ cần vào được ĐH, nhưng ngày nay người học quan tâm đến việc học trường, ngành nào, chất lượng đào tạo ra sao, ra trường có việc làm tốt hay không... Thông thường, các trường ĐH đều có chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp hoặc hợp tác với trường THPT để triển khai sự kiện về tuyển sinh hướng nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, chúng ta không thể theo cách đi trước đây, mà cần phải đột phá để nhanh chóng thích nghi và tận dụng lợi ích của thời đại số.
“Đi đôi với những cuốn cẩm nang truyền thống, chúng ta nên nghĩ đến việc sản xuất các video hay tài nguyên số hóa để giới thiệu về trường mình, về từng khoa - ngành và chia sẻ rộng rãi. Mỗi thầy cô giáo, SV đều có thể trở thành đại sứ cho chính trường học của mình trên môi trường trực tuyến. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để giúp thí sinh có thể tìm hiểu về chương trình tuyển sinh của nhà trường mọi lúc, mọi nơi, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn” – PGS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
PGS Nguyễn Thu Thủy tin tưởng: Mục tiêu của tuyển sinh không chỉ là tuyển đủ chỉ tiêu, mà tuyển được những thí sinh có chất lượng cao, đủ tố chất để lĩnh hội các kỹ thuật tiên tiến trong kỷ nguyên số, có khả năng trở thành công dân toàn cầu, đủ năng lực tư duy đổi mới và sáng tạo; qua đó góp phần vào thúc đẩy quá trình học tập suốt đời.
Theo Thạc sĩ Khoa Anh Việt - Giám đốc Trung tâm CNTT - Truyền thông và Học liệu, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh từ cấp THCS đến ĐH theo hình thức trực tuyến, bằng cách livestream tại trường quay hoặc qua Zoom. Trong xu thế số hóa hiện nay, trường ĐH nên chú trọng đến công tác truyền thông và tuyển sinh trực tuyến.